"Cầu nối" thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng
Hà Nội và tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) hợp tác phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc Việt Nam-Hoa Kỳ hợp tác trọng tâm về đổi mới sáng tạo và đầu tư |
Chiều 11/9, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nhân dịp đoàn đến thăm, kết nối, xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP.
Tham dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đại diện các Sở, ban, ngành TP Hà Nội. Về phía huyện Lâm Hà có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Sơn; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Văn Thuận cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của huyện.
Quang cảnh buổi tiếp |
Hà Nội luôn dành tình cảm đặc biệt cho huyện Lâm Hà
Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, TP Hà Nội luôn dành tình cảm đặc biệt cho cán bộ, Nhân dân của huyện Lâm Hà và sẽ sớm tổ chức đoàn vào thăm, làm việc với huyện.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP đã xúc tiến đầu tư và hỗ trợ cho nhiều địa phương, trong đó có huyện Lâm Hà. Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ huyện Lâm Hà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng cao đời sống người dân; Đồng thời khẳng định, Hà Nội sẵn sàng ủng hộ huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tại Thủ đô.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng mong rằng, qua chuyến thăm và làm việc lần này, Đoàn đại biểu huyện Lâm Hà sẽ học tập được các mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển Nông thôn mới của Hà Nội. Trong đó, có kinh nghiệm phát triển Nông thôn mới khi trở thành quận như huyện Đông Anh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp |
Tại buổi tiếp, Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn đã giới thiệu khái quát tình hình kinh tế - xã hội của địa phương sau 36 năm thành lập và phát triển.
Theo đó, huyện Lâm Hà hiện có 150 nghìn dân với 14 xã và 2 thị trấn, trong đó chủ yếu là người gốc Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ). Người dân ở đây sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, với 40 nghìn héc ta cà phê, đứng thứ 2 sau huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng).
Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và bà con nơi đây, huyện đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của TP Hà Nội.Trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương của TP đã hỗ trợ xây dựng 17 công trình hạ tầng về giáo dục, giao thông… nhờ đó Lâm Hà đã được công nhận là huyện Nông thôn mới.
Tuy nhiên, đời sống của một số bà con vẫn còn khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng cho sản xuất. Huyện cũng có nhiều sản phẩm OCOP nhưng việc quảng bá, tiêu thụ thời gian qua chưa tốt; Vì thế, huyện Lâm Hà mong muốn quảng bá, xúc tiến để tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại Hà Nội, nâng cao giá trị kinh tế của địa phương và đời sống cho người dân.
Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi tiếp |
Mở rộng hợp tác về văn hóa, du lịch
Tại buổi tiếp, đại diện các Sở, ngành của TP Hà Nội đã trao đổi về kết quả hợp tác cũng như sự hỗ trợ dành cho huyện thời gian qua; Trao đổi việc lựa chọn địa điểm để giới thiệu sản phẩm nông sản của Lâm Hà tại Hà Nội.
Điểm lại những kết quả hợp tác, hỗ trợ của TP Hà Nội với huyện Lâm Hà thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, huyện Lâm Hà được ví như cầu nối để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa TP Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng. Sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở xúc tiến quảng bá nông sản của huyện tại Hà Nội mà còn thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện hơn, đặc biệt là về văn hóa, du lịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong dẫn số liệu thống kê hiện nay cho thấy, có khoảng 40% du khách đến với huyện Lâm Hà là từ Hà Nội. Vì thế, việc đẩy mạnh xúc tiến, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch giữa Hà Nội với Lâm Hà có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, TP có thể tổ chức các đoàn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đến biểu diễn, quảng bá tại huyện Lâm Hà. Cùng với đó, các cơ quan báo chí của Thủ đô có thể mở các chuyên mục để giới thiệu về vùng đất giàu tiềm năng của huyện Lâm Hà. Đồng thời, TP Hà Nội có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình nông nghiệp; Hỗ trợ huyện Lâm Hà xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm du lịch tại Thủ đô.
Lãnh đạo TP Hà Nội và huyện Lâm Hà chụp ảnh lưu niệm |
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng một lần nữa chúc mừng những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Hà đã đạt được thời gian qua.
Đồng chí cho biết thêm, TP Hà Nội hiện có 1.370 sản phẩm OCOP nhưng chưa có các vùng sản xuất bền vững. Trong khi đó, huyện Lâm Hà có nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bền vững có thể hợp tác với Hà Nội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh về việc thúc đẩy hợp tác toàn diện và mang tính chiều sâu trên các lĩnh vực với tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt về văn hóa nghệ thuật, giáo dục đào tạo… Đồng thời, khẳng định, TP Hà Nội sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện Lâm Hà; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để hoàn thành hỗ trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng thông tin thêm với đoàn, trên cơ sở Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP đang tập trung triển khai các giải pháp toàn diện để thúc đẩy phát triển Thủ đô hơn nữa.
Cùng với đó, TP đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thảo luận. Tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”… Nhờ đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Thủ đô ngày càng phát triển, trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.