Chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện chiếm khoảng 23%
Tổng lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý theo yêu cầu trong kỳ báo cáo đạt tỷ lệ 99%; trong đó các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tư nhân đã xử lý 100% lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh.
Theo thống kế của Cục Quản lý môi trường y tế, đến nay, cả nước có 478/543 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế hoạt động tốt, chiếm 88%; 54/543 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế không hoạt động tốt hoặc không hoạt động, chiếm 9,9% và 11/543 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc đang trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý mới, chiếm 2%.
Tổng số bệnh viện có lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế là 192 bệnh viện. Cụ thể: 192/192 bệnh viện đã thực hiện quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, đạt tỷ lệ 100%; trong đó, tuyến Trung ương có 1 bệnh viện, tuyến tỉnh có 52 bệnh viện, tuyến huyện có 135 bệnh viện và tư nhân có 4 bệnh viện.
Đa phần các lò đốt hiện nay đang sử dụng đã cũ, xuống cấp, thiếu linh kiện thay thế, không được bảo dưỡng định kỳ khiến việc xử lý chất thải bằng lò đốt tiềm tàng nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số bệnh viện có các thông số không đạt tiêu chuẩn cụ thể là: SO2, CO, NOx, bụi...
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Cục Quản lý môi trường y tế đã phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đang tiến hành tổng điều tra trên phạm vi toàn quốc về thực trạng phát thải và đánh giá mức độ ô nhiễm.
Dự kiến trong năm 2018, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 khi hoàn thành tổng điều tra.