Chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới
Huyện Thanh Trì ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào giáo dục Quận Hà Đông tuyển dụng 405 viên chức giáo dục |
Thiếu nhiều nhất giáo viên dạy môn học mới
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Theo đó, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.
Học sinh lớp 1 hân hoan tựu trường năm học 2024 - 2025 |
Năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Ở cấp THCS, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.
Nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế. Tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu. Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên cao. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật;…
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, một bộ phận nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên nên việc bồi dưỡng còn hình thức, đối phó, thời gian dành cho việc tự học, tự bồi dưỡng còn hạn chế.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.
Các mô đun bồi dưỡng thường xuyên được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2018 (15 mô đun với cán bộ quản lý; 18 mô đun với giáo viên) đến nay đã có những bất cập cần bổ sung, thêm mới để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Các trường học đã chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng nhiều giải pháp |
Khắc phục bằng nhiều giải pháp
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng thiếu giáo viên còn tồn tại ở hầu hết các cấp học. Đơn cử như tại huyện Gia Lâm, bước vào năm học mới 2024 - 2025, trường Tiểu học Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội có 1027 học sinh với 36 lớp học.
Cô Lê Thị Mỹ Nga - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: Trường có 34 cán bộ, giáo viên. Để đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học, nhà trường đang thiếu 5 biên chế giáo viên. Trước thềm năm học mới, nhà trường đã chủ động bổ sung bằng cách ký hợp đồng với 5 giáo viên.
Thiếu giáo viên cơ bản đứng lớp cũng là thực trạng đang diễn ra ở trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Gia Lâm. Trường vừa được xây mới và đưa vào sử dụng từ năm học 2024 - 2025 với 738 học sinh ở 20 lớp học. Là ngôi trường non trẻ vừa được thành lập nên trước thềm năm học mới, vấn đề nhân sự cũng là nỗi trăn trở của ban giám hiệu khi trường thiếu 6 giáo viên cơ bản.
Nhà giáo Phùng Thị Anh Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đại Hưng cho biết: "Sẵn sàng bước vào năm học mới, nhà trường đã chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng cách ký hợp đồng với 6 giáo viên ở các trường khác. Về cơ bản, các giáo viên được lựa chọn đều có trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018".
Là quận chịu áp lực lớn về gia tăng dân số, năm học 2024 - 2025, quận Hà Đông đón 123.000 học sinh tới trường. Năm nay, quận có thêm 1 trường mới và xây thêm 7 đơn nguyên ở các trường cũ, nâng tổng số trường học và lớp học ở cả 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS với tổng số toàn quận tổng số 140 trường, bổ sung thêm gần 100 phòng học mới cho các cấp, đáp ứng được số học sinh đến học tập trong năm học mới.
Theo UBND quận Hà Đông, tổng số viên chức giáo dục quận được giao năm 2024 là 4.507 người. Hiện nay, tổng số viên chức tính đến 1/8/2024 là 3.778 người. Tổng số viên chức nghỉ hưu đến hết năm 2025 là 56 người. Tổng số viên chức phải tinh giản biên chế theo quy định đến hết năm 2025 là 303 người.
Cô và trò trường Tiểu học Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội trong một giờ học |
Để đảm bảo công tác dạy và học, quận vừa thông báo sẽ tuyển dụng 405 viên chức giáo dục. Trong đó bao gồm 122 chỉ tiêu giáo viên khối mầm non, 233 chỉ tiêu giáo viên khối Tiểu học và 50 chỉ tiêu giáo viên khối THCS.
Hội đồng tuyển dụng nhận hồ sơ dự tuyển từ ngày 29/8 đến ngày 27/9/2024, tại trụ sở UBND quận Hà Đông (phường Hà Cầu, quận Hà Đông).
Thí sinh đạt yêu cầu về điều kiện, hồ sơ sẽ trải qua 2 vòng thi. Trong đó, vòng 1 gồm thi kiểm tra kiến thức chung và thi Ngoại ngữ. Trường hợp thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp hoặc bằng cử nhân ngoại ngữ sẽ được miễn thi theo quy định.
Thí sinh qua vòng 1 sẽ tham dự vòng 2 về nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức thi viết. Sau khi có kết quả thông báo trúng tuyển, thí sinh sẽ hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trước thực tế thiếu giáo viên ở hầu hết các cấp học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đó là triển khai ngân hàng giáo viên với các giáo viên tình nguyện; phong trào Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm được đánh giá cao, đem lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, để thực hiện phong trào này, giáo viên ở nhiều trường học tốt sẽ đến với các trường chưa tốt, giáo viên ở nội thành sẽ đến các trường ngoại thành sẻ chia kinh nghiệm trong quá trình dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các trường học trên toàn thành phố.
Thông tin tại hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 của Bộ GD&ĐT, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của Thủ đô tiếp tục tăng 39 trường và 48.000 học sinh, nâng tổng số lên 2.913 trường với hơn 2,3 triệu học sinh. So với biên chế, Hà Nội còn thiếu khoảng 16.000 giáo viên.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các bộ rà soát để đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt là cơ cấu về các môn học, một số môn học đặc thù để phù hợp với công tác giảng dạy hiện nay ở các địa phương và phù hợp với yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.