Chủ động, linh hoạt triển khai chương trình mới với giáo dục trung học
Giảm tải chương trình giáo dục trung học ứng phó với dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT thông tin chi tiết về kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên 63 Sở GD&ĐT trong cả nước.
Đổi mới giáo dục phổ thông trong điều kiện khó khăn
Báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Năm học 2022-2023 là năm thứ hai giáo dục trung học triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học cơ sở và là năm đầu tiên đối với cấp trung học phổ thông.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì phần thảo luận tại hội nghị |
Triển khai chương trình mới ở lớp 10 - lớp đầu tiên của giai đoạn định hướng nghề nghiệp khối lượng công việc nhiều, nhiều điểm mới cần thực hiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10; Hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 6, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt.
Thực tiễn triển khai trong năm học cũng cho thấy còn những tồn tại, khó khăn cần khắc phục đối với giáo dục trung học. Đó là việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa phù hợp dẫn tới hiệu quả thực hiện chương trình một số môn học. Một số cơ sở giáo dục còn cứng nhắc trong triển khai chương trình các môn học/hoạt động giáo dục mới.
Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, còn thừa thiếu cục bộ và thiếu so với quy định, đặc biệt là môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều.
Chia sẻ về nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cũng lần đầu được thực hiện, chưa có kinh nghiệm trong quá khứ. Số lượng các cơ sở giáo dục trung học lớn, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau nên việc đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng khác nhau”.
Ổn định quy mô, hoạt động của giáo dục thường xuyên
Báo cáo về kết quả của giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết: Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định trong năm học. Hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên ổn định về mạng lưới và hoạt động. Nhiều trung tâm đã chủ động học hỏi, nghiên cứu nhu cầu người học, chủ động đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh báo cáo tại hội nghị |
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đối với khóa tuyển sinh lớp 10 năm học này. Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán.
Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, đa số các tỉnh vẫn duy trì và huy động số người học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT là 384.866 học viên, tăng hơn 40.000 học viên so với năm học 2021-2022.
Cũng trong năm học, nhận thức của cán bộ và người dân về lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực. Việc ban hành kế hoạch triển khai công tác xây dựng xã hội học tập và công tác phổ cập giáo dục - xoá mù chữ, văn bản hướng dẫn được thực hiện nghiêm túc. Việc kiểm tra công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ của tỉnh và các cấp thực hiện đúng quy trình theo quy định.
Khó khăn, tồn tại của giáo dục thường xuyên được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên nhìn nhận như: Vẫn còn địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; Việc huy động người mù chữ ra học các lớp xoá mù chữ ở một số địa phương chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên…
Có chính sách thúc đẩy giáo dục thường xuyên
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đã có những trao đổi từ thực tiễn kinh nghiệm triển khai các nhiệm vụ giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023; Đồng thời chia sẻ những khó khăn và đề xuất, kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Một số vấn đề khác trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Xây dựng, ban hành tài liệu giáo dục địa phương, mua sắm thiết bị dạy học, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… cũng được địa phương trao đổi.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa đặc biệt của năm học 2023-2024 trong tiến trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - khi đây là một năm vừa nhìn lại kết quả 3 năm đã triển khai, trực tiếp triển khai các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị các điều kiện triển khai các lớp cuối cùng.
Năm học 2023-2024 được coi là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai chương trình, Bộ trưởng cho rằng, sự chú ý, năng lượng, sự quan tâm, chính sách, mức độ tập trung của năm nay cần tăng cường và có sự tập trung cao độ.
Từ việc chủ động nhìn nhận những điểm khó trong thực tiễn triển khai thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tập trung cao độ đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá, đặc biệt với các môn học mới.
Cũng liên quan đến đội ngũ, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tái đi thực tế tại các trường phổ thông của giảng viên sư phạm. “Nếu xa lạ với thực tiễn đang diễn ra ở giáo dục phổ thông, không có trải nghiệm thực tế, không bám sát, nắm chắc thực tiễn đổi mới, đội ngũ này sẽ không thể dạy một cách hiệu quả cho giáo sinh - những giáo viên tương lai sẽ triển khai thực hiện chương trình mới. Từ đó, các trường sư phạm không thể thực hiện được nhiệm vụ đồng hành, tham gia dẫn dắt trong hệ thống khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nêu rõ.
Trước ý kiến của một số địa phương về việc chuyển trường của học sinh lớp 10 nhưng khó khăn bởi tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cũng phải được thực hiện bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không được triển khai cứng nhắc.
Chia sẻ về hai khối chưa nhận được sự chú ý đúng mức là giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng đã có những lưu ý cụ thể về việc tăng cường mối quan tâm, chú ý với khối giáo dục thường xuyên trong thời gian tới, sao cho tương xứng với tầm quan trọng của khối giáo dục này.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương để có một năm học dù nhiều công việc bộn bề, nhiều khó khăn nhưng đã hoàn thành với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên.
Lưu ý về một số nhiệm vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho năm học mới, Thứ trưởng nhấn mạnh tới việc xây dựng hệ thống văn bản, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời, trong đó lãnh đạo phải là người định hướng, truyền cảm hứng, hiểu văn bản hơn ai hết.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình; Tiếp tục làm tốt công tác phối hợp và hợp tác, bao gồm phối hợp tốt giữa sở với sở, trường với trường, phối hợp với các sở ngoài tỉnh khác nhau…; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Tiếp tục tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy chương trình mới; Tổ chức phát động tốt các phong trào thi đua phù hợp với thực tiễn địa phương.