Chủ động, sáng tạo phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững
Các phong trào thi đua góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông nguồn lực phát triển |
Tuổi trẻ Thanh Hóa xung kích, tình nguyện, đảm bảo an sinh xã hội |
Quang cảnh buổi làm việc |
Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường đã làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Kinh tế tăng trưởng khá cao
Thay mặt lãnh đạo tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa . (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 9,92%, trong đó năm 2024 ước đạt 11,72%, đứng thứ 2 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 gấp 1,52 lần năm 2020. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2024 gấp 1,7 lần năm 2020. Tổng thu ngân sách năm 2024 cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 8 cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024 đã thành lập mới 14.643 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 173 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 15 tỉ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân được nâng lên; chất lượng giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2024 còn 2,12%, bình quân giảm 1,55%/năm. Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Đỗ Minh Tuấn nêu rõ, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức; khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém; huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường chỉ rõ, Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng; có dân số đông, diện tích rộng, hội tụ đủ 3 vùng địa lý, các loại hình giao thông, cùng với lợi thế “biển bạc, rừng vàng", nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa là “vùng đất phên dậu”, “vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế, nơi khởi nguồn của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Chủ tịch nước cho biết, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.
Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà lưu niệm cho Tỉnh ủy Thanh Hoá. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây được xem là “chìa khóa" quan trọng, là tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai; đồng thời, tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thanh Hóa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước đánh giá cao, chúc mừng và biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.
Chủ tịch nước cũng nhất trí với những đánh giá thẳng thắn về các hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa; đồng thời cũng thống nhất với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã xác định trong Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Để hiện thực hóa mục tiêu, định hướng của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh Thanh Hóa xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của tỉnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2025- 2030 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35 ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trọng tâm là nghiên cứu xây dựng những định hướng lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới; đồng thời, làm tốt công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp với tinh thần nghiêm túc, thận trọng, khách quan.
Theo Chủ tịch nước, tỉnh Thanh Hóa cũng cần tăng cường đổi mới, sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội lực của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh tận dụng và phát huy hơn nữa vị trí địa chính trị, địa kinh tế và vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng của tỉnh; quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch; trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chú trọng sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo hành lang kinh tế, trục phát triển; trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch nước yêu cầu tăng cường tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp để thu hút các dự án đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trọng tâm trước mắt là tập trung tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025, bảo đảm các điều kiện để bộ máy của hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả theo đúng kế hoạch đề ra...
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.