Chủ tịch Quốc hội: Tiền có mà không tiêu được là vướng ở đâu?
Thảo luận tại tổ sáng 25/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong cả nhiệm kỳ. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế năm nay phải đạt ở mức như Quốc hội đề xuất, cộng với phần gói kích thích kinh tế (ít nhất 2%).
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng của cả năm sẽ là 8,5%, đây là thách thức rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ |
Chia sẻ những vấn đề đại biểu Quốc hội lo lắng như giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân gói chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43 quá chậm…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây cũng là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm.
Nêu thực tế, chi ngân sách nói chung hiện nay đang rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Đầu tư công cũng rất thấp, cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân 32,85%. Gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được, hôm qua mới có danh mục gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới chỉ có tên danh mục chứ chưa phải là các dự án đã chuẩn bị đầu tư xong. Gói chính sách về y tế là chưa có danh mục đầu tư nào. Hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” cũng chưa giải ngân được… Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát với địa phương phân tích kỹ vấn đề này.
"Tiền có nhưng không tiêu được. Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù nhưng xuất hiện trạng thái một số nơi không dám mua và một số nơi mua thì sai...
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu? Phải làm cho rõ. Thể chế là không vướng gì cả. Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt rồi, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa ”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ quan tâm là việc chi ngân sách rất khó khăn. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, đầu tư công năm 2021 chỉ được hơn 70%, ODA giải ngân chỉ hơn 32%...
Đọc quyết toán ngân sách năm 2021 sẽ thấy, tình trạng này kéo dài mấy năm nay, một năm mà chi chuyển nguồn hơn 600 nghìn tỷ đồng. Không phải là không có tiền mà là có tiền nhưng không tiêu được.
"Quốc hội và Chính phủ đều băn khoăn vấn đề này, các đồng chí là người sát nhất ở địa phương xem lý do vì sao không tiêu được? Cần phải có giải pháp mới cho những vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Nếu chúng ta không bàn vấn đề này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong cũng không chuyển biến được trong thực tiễn.
Những vấn đề về vĩ mô thì Quốc hội, Chính phủ phải tập trung, nhưng ở cấp độ thực hiện ở cơ sở như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát tại địa phương, Bộ, ngành tập trung thảo luận, hiến kế cho Quốc hội, cho Chính phủ về vấn đề này.