Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Người về từ Đà Nẵng phải chủ động khai báo y tế
Hà Nội: Xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho tiểu thương tại các chợ đầu mối Bộ Y tế giao 4 bệnh viện đầu ngành hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm Covid-19 |
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đã ghi nhận hơn 16 triệu ca mắc, trong đó có hơn 652 nghìn ca tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn tại nước ta, tính đến 17h ngày 27/7 đã ghi nhận 420 ca mắc Covid-19 tại 36 tỉnh, thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp |
Còn trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã qua 104 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca bệnh mắc mới tại cộng đồng. Tính đến 15h ngày 27/7, thành phố đã có 121 ca mắc Covid-19 đều đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, hiện dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và một số tỉnh, thành phố khác ở nước ta, đặc biệt là Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Sở Y tế, hiện nay đang là mùa hè, việc giao lưu đi lại, nhất là du lịch, nghỉ dưỡng của người dân giữa các tỉnh, thành phố rất lớn và nhiều người dân đã không còn tuân thủ các biện pháp phòng dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... nên tiềm ẩn nguy cơ dịch có thể xuất hiện và lây lan tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, qua rà soát có khoảng 15-20 nghìn người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng nên nguy cơ dịch xâm nhập là rất cao. Do đó, đối với những trường hợp trở về từ vùng có dịch ở Đà Nẵng phải tự cách ly và thực hiện khai báo y tế với chính quyền sở tại. Người dân phải chủ động theo dõi tình hình sức khỏe, trong trường hợp có dấu hiệu bất thường (như ho, sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực...) phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp |
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trên thế giới, trung bình cứ 4 ngày lại có 1 triệu ca nhiễm mới. Ở mỗi nước, virus SARS-CoV-2 lại có đột biến gen và các chủng khác nhau và có mức độ nguy hiểm và lây nhiễm cao hơn.
Hà Nội, là địa phương có nhiều người đến Đà Nẵng thời gian qua, do đó, phải chủ động, phát hiện kịp thời, ngăn chặn nhanh chóng không để lây lan rộng. Các quận, huyện cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống nhưng không nên quá lo lắng. Những người đi về từ Đà Nẵng vào ngày 8/7 đến nay và có liên quan tới các địa điểm mà bệnh nhân đã từng đến (Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, các quận: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Trung tâm tiệc cưới For You Palace) thì phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Với những người về từ Đà Nẵng nhưng không đến những địa điểm này thì phải chủ động theo dõi sức khỏe.
Chủ tịch UBND TP đề nghị người dân cần phát hiện nhanh, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, giám sát chặt chẽ sức khỏe của mình. Tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, khó thở, sốt trên địa bàn thành phố cần liên hệ ngay cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Khi chờ kết quả thì tự cách ly tại nhà.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công an và các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào thành phố. Tất cả các trường hợp nhập cảnh phải tổ chức cách ly, xét nghiệm 2 lần, 1 tháng sau xét nghiệm lại; Cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép; Có trường hợp dẫn dắt vào thì phải xử lý nghiêm theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị trên địa bàn thành phố phải duy trì nước sát khuẩn. Mọi người phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông và ra nơi công cộng. Các đội phản ứng nhanh hoạt động 24/24/7, tiếp nhận mọi thông tin báo cáo. Khởi động hệ thống Smart City để người dân kịp thời phản ánh, cập nhật thông tin dịch bệnh.