Chương trình số 07-CTr/TU cần có sản phẩm thực tế với những bước đi cụ thể
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” tại Hội nghị giao ban BCĐ để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của BCĐ TP, sáng 23/7.
Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ cùng các thành viên BCĐ và đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Báo cáo một số nội dung về tình hình triển khai thực hiện Chương trình, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, về dự thảo Kế hoạch của UBND TP triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, ngay sau khi Chương trình được ban hành, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch của UBND TP triển khai thực hiện Chương trình (tại văn bản 3013/VP KGVX ngày 7/4/2021 của Văn phòng UBND TP).
Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo kế hoạch và các phụ lục kèm theo, có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã của thành phố để lấy ý kiến góp ý, tiếp thu ý kiến góp ý của các đồng chí Thường trực BCĐ… Từ đó, Sở đã báo cáo và hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình tại cuộc họp ngày 20/7/2021. Theo đó, dự thảo Kế hoạch của UBND TP gồm 3 mục: Mục đích, yêu cầu; nội dung thực hiện; tổ chức thực hiện; Đồng thời, có 1 phụ lục phân công thực hiện 32 đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tham gia góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị, các sở, ngành, quận, huyện cần sớm rà soát các danh mục liên quan 32 đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch của UBND TP triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU. Trong đó, cần đề xuất điều chỉnh nội dung nào thì đăng ký lại, nêu rõ sản phẩm, chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, để xác định nguồn lực cho việc thực hiện. Các đơn vị cần hoàn thành các dự thảo một cách tổng thể theo hướng xác định rõ người, rõ việc, rõ nguồn lực cho thực hiện, tùy theo cấp độ phê duyệt để tham mưu, muộn nhất ngày 26/7 hoàn thiện để trình UBND TP ban hành trong tháng 7/2021, tránh để quá chậm trễ.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hoàn thiện dự thảo báo cáo, các đơn vị rà soát triển khai, từ đó đề xuất Thành ủy thông qua HĐND TP có bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện cho phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để Chương trình số 07-CTr/TU đạt hiệu quả cao, có sản phẩm thực tế thì việc thực hiện cần có quyết tâm cao hơn với những bước đi cụ thể. Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Nội vụ tiếp thu hoàn thành hệ thống văn bản, với quan điểm 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy cần thống nhất với nhau, rõ vai trò các cơ quan đơn vị, chung form mẫu. Bên cạnh ban hành báo cáo sơ kết 6 tháng và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, BCĐ Chương trình cũng cần xây dựng kế hoạch 5 năm của BCĐ, trong đó bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, quan điểm của Chương trình.
“Cần thống nhất chung quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện Chương trình này, đó là doanh nghiệp là chủ thể trong triển khai, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò định hướng tạo ra môi trường, cơ chế chính sách và các công cụ để thúc đẩy. Đồng thời, cần quán triệt sâu sắc KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Thủ đô, nên phải có nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể. Do đó, ngành tài chính cần cân đối nguồn lực. Đặc biệt, Chương trình cần rõ sản phẩm, không chỉ là những đề tài chung chung mà phải cân đong đo đếm được” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Cùng đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, các đơn vị cần xác định lại các đề án và dự án (nếu có) kèm theo, có thể đưa dự án cụ thể vào danh mục chuẩn bị đầu tư công trung hạn. Trước hết cần thực hiện được những nội dung mang tính định hướng, tính chất khung thì tiếp đó mới triển khai được những nội dung khác, như chuyển đổi chính quyền số, chính quyền điện tử… thì UBND TP cần phê duyệt sớm. Đồng thời, một số đề án cần được rà soát lại để cụ thể, thiết thực hơn, có khả năng thực hiện và gắn với các chỉ tiêu của Chương trình. Các đơn vị trong 6 tháng cuối năm này cần hoàn thiện đề án để thực hiện, sau khi UBND TP ban hành kế hoạch chung của TP thì đơn vị phải xây dựng ngay kế hoạch cụ thể của mình để thực hiện hiệu quả Chương trình.