Chuyên gia y tế "mách" kỹ năng phòng ngạt khói trong các đám cháy
Làm thế nào để tránh hít phải khí độc trong đám cháy?
Ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.
Ngạt khói là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn |
Một người bị kẹt trong tòa nhà đang cháy sẽ gặp các triệu chứng ngạt khói gần như ngay lập tức, phổ biến nhất trong số đó là ho, khó thở, khàn tiếng, đau đầu, đau bụng, nôn, buồn ngủ, lú lẫn... do không nhận đủ oxy. Ở giai đoạn này, nạn nhân có thể mất ý thức hoặc ngưng thở hoàn toàn.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn ngoài bị phỏng, bị ngạt, còn bị tổn thương do hít phải nhiệt độ cao nên thường bị phỏng đường hô hấp, nhất là khi hỏa hoạn có hơi nước nóng như nổ lò hơi…
Do đó, khi ở trong đám cháy, người dân nên tránh tâm lý hoảng loạn tìm cách chạy lên cao hoặc vào sâu bên trong, vì cơ chế khói sẽ ngày càng bốc lên cao, khói vào sâu không có đường thoát sẽ càng dày đặc và nạn nhân sẽ chết ngạt trước khi chết cháy.
Khi xảy ra sự cố cháy, người dân nên dùng mền nhúng nước quấn quanh người hoặc dùng khăn ướt đắp vào mặt mũi rồi chạy nhanh qua đám cháy và ra ngoài.
Khi nạn nhân ra khỏi vùng bị khói, khí, người sơ cứu cần đưa nạn nhân ra nơi thoáng đãng, làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách hô hấp nhân tạo. Nếu bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở cần nhanh chóng đưa ngay tới bệnh viện để được thở ôxy cao áp nhằm đẩy khí CO ra ngoài.
Đối với những loại khí gas, khí độc, chúng ta cần mở hết cửa, bật quạt thổi khói, khí, hơi độc ra ngoài và nhanh chóng đưa nạn nhân ra xa khỏi vùng khí, khói độc đến chỗ thông thoáng để hít thở ôxy nhằm tống xuất khí, hơi độc ra ngoài.
Để phòng ngừa hít phải khí độc, khi có cháy, người dân không được hoảng loạn mà cần gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy 114.
Ngoài ra, mọi người cũng cần tăng cường ý thức phòng ngừa ngộ độc khí, hơi, khói độc, đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, cẩn thận củi lửa, bếp gas; Không nên để xe hơi hoặc xe máy đang còn nổ máy trong nhà, trong gara ngay cả khi đang mở cửa; Không đặt máy phát điện trong nhà; Không đốt than, củi trong nhà khi đóng kín cửa; Không sử dụng thiết bị đốt khí gas trong phòng kín hoặc phòng ngủ...
Hướng dẫn sơ cứu người bị ngạt khói
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Từ Tuấn Anh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: "Ứớc tính ngạt khói chiếm 50 - 80% nguyên nhân gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Tổn thương do nhiệt chủ yếu ở đường hô hấp trên. Tử vong sớm trong đám cháy chủ yếu do thiếu oxy, kết quả của nồng độ oxy thấp (do tiêu thụ nhanh chóng lượng oxy có sẵn trong quá trình đốt cháy) và hít phải khí CO, CN nồng độ cao.
Vị trí và mức độ nặng của tổn thương phụ thuộc vào một số yếu tố như nguồn lửa, kích thước của các hạt trong khói, thời gian tiếp xúc, độ hòa tan của khí và cách sơ cứu ban đầu".
Cách sơ cứu ban đầu khi nạn nhân ngạt khói |
Cũng theo bác sĩ Tuấn Anh, nếu gặp người bị ngạt khói cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy đến nơi an toàn, rộng rãi và thoáng mát; Gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
"Để nạn nhân ngồi xuống hoặc nằm nghiêng nếu tỉnh táo, sau đó chúng ta nới lỏng quần áo và hỏi các triệu chứng họ đang gặp phải; Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo và nới lỏng quần áo, trong khi chờ cấp cứu đến; Sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói cần lưu ý, nếu họ có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần lấy ra để thông thoáng đường thở.
Trường hợp nạn nhân bị bỏng, chúng ta cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng; Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể từ 10 - 20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy bớt bỏng rát.
Người sơ cứu tuyệt đối không được dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm lên người nạn nhân. Do cơ thể nạn nhân đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần 2 dẫn đến bỏng lạnh", bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để phòng ngừa hít phải khí độc khi xảy ra cháy, người dân cần thực hiện các điều sau đây: Khói nhẹ hơn không khí nên sẽ bay lên trên. Do đó, chúng ta hãy hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối để di chuyển. Vì phía dưới sàn sẽ có đủ lượng oxy để thở và tránh ngạt khói. Mọi người lấy một mảnh vải, làm ẩm và để gần mũi, miệng. Nước sẽ lọc khí độc, ngăn hít khí độc. Trong trường hợp bị kẹt trong phòng, chúng ta hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào; Bịt các kẽ hở xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính; Nếu quần áo bị bắt lửa, hãy nằm và lăn người cho đến khi lửa được dập. Ngoài ra, người dân cần xác định nguồn khói và hướng gió để chọn nơi lánh nạn hợp lý, giảm nguy cơ ngạt khói. |