Cô giáo trẻ và dự án chống biến đổi khí hậu
Cô Vũ Bích Phương và học sinh trường THCS Dịch Vọng
Bài liên quan
“Vì mái trường xanh” chung tay xây dựng ý thức bảo vệ môi trường
Để Hà Nội ngày càng xanh, trong lành: Trách nhiệm không của riêng ai
Phát triển du lịch xanh: Hướng đi bền vững
Hà Nội: Thực hiện gần 2.500 lượt vệ sinh môi trường diệt bọ gậy trong năm 2019
Vạn sự khởi đầu nan
Năm học 2013 - 2014, khi vừa tròn 24 tuổi, cô Vũ Bích Phương (giáo viên dạy môn Sinh học) đầu quân vào trường THCS Dịch Vọng. Chỉ hai năm sau, cô đã được Ban giám hiệu tin tưởng giao làm giáo viên chủ nhiệm.
“Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực” của cô giáo Vũ Bích Phượng ra đời hết sức tình cờ, khi cô cùng học trò đi tập văn nghệ cho một hoạt động tình nguyện tại chùa Hà năm 2016. Thời tiết mùa hè năm ấy nóng kỷ lục. Lúc đó cô giáo trẻ chỉ nghĩ làm thế nào để môi trường sống được tốt đẹp hơn.
Sau khi tìm hiểu, cô Phương biết khí hậu nóng lên do khí thải của con người tạo thành hiệu ứng nhà kính. Từ đó cô nghĩ, điều cơ bản nhất mà mọi người có thể làm được là quản lý khí thải, xử lý rác tại nguồn. Nghĩ là làm, cô Phương lên kế hoạch và thực hiện dự án.
“Kiến thức sống xanh, sống bền vững có trong quá nhiều chương trình. Mình đem vào tiết học lúc nào, dạy ra làm sao lại là một vấn đề lớn. Tôi mạnh dạn đề xuất và được Hiệu trưởng cho phép dạy tiết tăng cường môn Sinh học”, cô Phương chia sẻ.
Thời gian làm dự án cũng là thời điểm cô giáo trẻ nuôi con nhỏ. Cô Phương may mắn có được sự ủng hộ hết lòng của chồng và gia đình. Điều này không chỉ giúp cô thực hiện được niềm say mê nghiên cứu mà còn đem lại những cơ hội mở mang kiến thức cho nhiều học sinh.
Cô Vũ Bích Phương và học sinh trường THCS Dịch Vọng |
Bảo vệ môi trường từ việc làm thiết thực
Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực” gồm ba giai đoạn. Qua từng giai đoạn, học sinh nắm được khái niệm về biến đổi khí hậu, tìm ra nguyên nhân, đề xuất cách khắc phục thông qua những kiến thức đã học. Trong đó, dự án tập trung vào những biện pháp giúp học sinh nắm được vai trò to lớn của thực vật. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp các em bước đầu sử dụng công nghệ thông tin trong học tập trực tuyến.
“Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực” được cô Phương triển khai với mong muốn đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trực tuyến, đồng thời lan tỏa trong cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu trái đất. Từ đó, dự án có thể giúp các em học sinh hoàn thiện các kỹ năng về công nghệ và có trách nhiệm đối với môi trường sống của mình.
Trong quá trình thực hiện, cô giáo trẻ tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá như: Đi thăm nhà máy giấy, hưởng ứng giờ trái đất, trồng cây trong ống nhựa tái chế, phân loại rác theo ba nhóm và tìm cách xử lý an toàn.
“Tham gia hoạt động ngoại khoá, học sinh có ý thức tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường. Nhiều em còn đề xuất ý tưởng thực hiện dự án cá nhân", cô Phương cho biết.
Em Lê Hà Phương, học sinh trường THCS Dịch Vọng, đã đề xuất ý tưởng sản xuất nước rửa bát sinh học từ rác thải thân thiện với môi trường tốt cho sức khỏe. Công trình nghiên cứu của em đã được tham dự cuộc thi khoa học quốc tế. Nhiều học sinh đã quay lại video tự thực hiện về môi trường như: Tác dụng đuổi muỗi từ cây sả; Hãy cùng chúng em bảo vệ bầu khí quyển trái đất; Xây dựng hệ thống tưới cây từ xa... Từ đó, các em học sinh đã có ý thức trong việc xả rác, phân loại rác và tái chế rác thải nhựa.