Coi chừng cháy nổ do chập điện mùa nắng nóng
Hiện trường vụ cháy hóa chất tại quận Long Biên, Hà Nội
Bài liên quan
Vụ cháy kho cảng Đức Giang: Công ty Cường Việt có giấy phép kinh doanh hóa chất
Huế: “Bà hỏa” thiêu rụi shop thời trang, thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Sau vụ cháy khu cảng Đức Giang: Triển khai các biện pháp xử lý triệt để về môi trường
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ
Khu tập thể Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) là một trong những khu tập thể cũ, xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống điện đã quá cũ nát. Theo ghi nhận của phóng viên, có những hộ dân tự ý đấu nối không đảm bảo kỹ thuật, lắp thêm thiết bị chiếu sáng, tiêu thụ điện vượt công suất làm gia tăng nguy cơ quá tải, dễ dẫn đến cháy nổ. Trong khi đó, khu tập thể này không có lối thoát hiểm, hành lang chật hẹp lại bị lấn chiếm.
Không chỉ riêng khu tập thể Thành Công, tại Hà Nội còn rất nhiều các khu tập thể cũ được xây dựng cách đây vài chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ.
Bên cạnh đó, hầu hết nhà dân tại Hà Nội được xây dựng hình ống liền kề, san sát nhau, điều kiện sản xuất kinh doanh, ăn ở, sinh hoạt chật hẹp không bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói.
Điều đáng nói, không ít chủ hộ gia đình, chủ cơ sở thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy, chưa có ý thức tự trang bị các kiến thức cơ bản về thoát nạn cũng như trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, không bảo đảm chất lượng do không được bảo dưỡng định kỳ.
Đặc biệt, việc chấp hành các quy định về an toàn hệ thống điện của chủ hộ gia đình chưa được sự quan tâm: hệ thống điện câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện đã "lão hóa" mất khả năng cách điện; Thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém...
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong năm 2019, Hà Nội đã xảy ra 563 vụ cháy, trong đó có tới 375 vụ có nguyên nhân từ chập điện (chiếm 66,7%). Không những vậy, Hà Nội còn có thêm 707 vụ chập điện trên các cây cột điện.
Các vụ cháy do điện thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi hết giờ làm việc nên phát hiện chậm, dễ gây các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như: Vụ cháy nhà xưởng tại Trung Văn, quận Nam Từ Liêm ngày 12/4/2019 làm 8 người chết; Vụ cháy nhà xưởng Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân ngày 28/8/2019, làm thiệt hại 155 tỷ đồng...
Tại các địa phương khác trong cả nước, tình trạng cháy nổ do điện xảy ra rất phổ biến và để lại những hậu quả rất đau lòng.
Hơn 50% các vụ cháy đều liên quan đến điện
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong 5 năm 2015 - 2019, cả nước đã xảy ra 17.844 vụ cháy, làm chết 431 người, bị thương 981 người; thiệt hại về tài sản ước tính gần 8,4 nghìn tỷ đồng và 8.810 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.569 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 196 người.
Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kiểm tra phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại một khu dân cư |
Bình quân mỗi ngày, cả nước xảy ra 10 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,6 tỷ đồng và 4,8ha rừng. Đáng chú ý, các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện lên đến hơn 8,1 nghìn vụ (chiếm 45,3%).
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy, dự kiến lối thoát nạn ngoài cửa chính như ban công, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây. Với hộ gia đình mà các tầng còn tồn tại “chuồng cọp”, đề nghị người dân mở “cửa chuồng cọp” ở mỗi tầng.
Thứ hai, các gia đình bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan; Phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, aptomat…) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn; Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như báo cháy tự động, báo rò rỉ khí gas, thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa, van an toàn để kịp thời thay thế khi van hư hỏng. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
Thứ tư, không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m.
Cuối cùng, các gia đinh nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra; các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như: Búa, kìm cộng lực, xà beng…
Công an thành phố Hà Nội dự báo, trong thời gian tới thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cao cháy nổ thiết bị trên các cột điện. Do vậy, khi phát hiện sự cố cháy xảy ra, người dân cần bình tĩnh gọi điện báo ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy thành phố qua tổng đài 114.