Con đường âm nhạc của chàng ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông
"Ánh sáng tuổi thơ" mang Tết Thiếu nhi đến sớm với trẻ em khiếm thị Nữ VĐV khiếm thị được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam Hai anh em khiếm thị vượt nghịch cảnh đỗ đại học |
Gây ấn tượng ngay từ những phút đầu tiên của "Trạm yêu thương", Hà Văn Đông tự tin hát và đệm Cajon cho tiết mục của mình. Ca khúc “Tâm hồn của đá” được Đông thể hiện trọn vẹn qua giọng hát đầy chất lửa. Chàng trai 9X chia sẻ những ca khúc của ban nhạc Bức tường chính là động lực giúp anh thêm yêu đời và theo đuổi nhạc rock đến ngày hôm nay.
Ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Chia sẻ về bản thân, Hà Văn Đông cho biết “Cuộc sống của mình êm đềm trôi qua trong tình yêu thương của gia đình. Dù không may mắc khiếm thị bẩm sinh, chỉ đến khi xếp hàng nhận phiếu báo vào lớp 1, mình mới biết bản thân khác biệt khi không được nhận phiếu. Lúc đó rất khát khao được đi học, được đến trường và gặp bạn bè”.
Ba năm ở nhà, sống trong sự buồn tủi vì không có sự lựa chọn nào cả. Đến năm 9 tuổi, khi tỉnh Hải Dương có lớp học người mù, Đông mới bắt đầu được đi học. Đông kể: “Lúc đó em gặp rất nhiều khó khăn, phải mất cả tháng mới làm quen được.
Ở đó, em bắt đầu học mọi thứ, tự vệ sinh cá nhân cho mình, tự giặt giũ quần áo, lớn hơn một chút thì tự học cách định hướng di chuyển. Và khó khăn lớn nhất là sách giáo khoa, bởi sách chữ nổi rất đắt, gia đình lại không có điều kiện, chính vì vậy 3 tháng hè mọi người được nghỉ thì mình nghe băng ghi âm và tự chép lại sách để học”.
Khó khăn khi học với người khiếm thị là vậy, học với người mắt sáng còn khó hơn rất nhiều. Hà Văn Đông buộc mình phải đánh máy thành thạo và tập gõ 10 ngón. Cho đến thời điểm hiện tại, nhìn lại những khó khăn đã trải qua, Đông tự nhủ: “Nếu không có những thử thách đó thì mình không thể phát hiện ra những khả năng tiềm tàng của bản thân và mình luôn tin có thể làm được và tự tin đối diện với mọi người”.
Năm 2012, tại chương trình "Giọng hát Việt", Hà Văn Đông gây ấn tượng với ca khúc “Tâm hồn của đá” ở vòng Giấu mặt và sau đó về đội cố nhạc sĩ Trần Lập. Dù dừng chân ở vòng Đối đầu, chàng trai khiếm thị vóc người nhỏ nhắn, gầy gò đã để lại nhiều dấu ấn với giọng hát mạnh mẽ đầy "lửa".
Năm 2017, để phát triển sự nghiệp và đam mê ấy, Hà Văn Đông đã khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh. Qua phóng sự của "Trạm yêu thương", khán giả sẽ được chứng kiến hành trình nuôi dưỡng đam mê ca nhạc của Hà Văn Đông khi tối tối, chàng trai này vẫn cháy hết mình trên những sân khấu dù nhỏ hay lớn.
Khán giả đã không còn nghĩ anh là một ca sĩ khiếm thị bởi giọng hát ấy đã mang ánh sáng, giúp Đông cảm nhận rõ ràng tình cảm mọi người dành cho mình. Niềm đam mê của Hà Văn Đông là cố gắng học hỏi tất cả những gì liên quan đến âm nhạc, anh còn học chơi trống và tham gia luyện tập với một ban nhạc dân tộc. Chia sẻ của những người bạn đồng nghiệp sẽ giúp khán giả hiểu hơn về những nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng ca sĩ này.
Sự xuất hiện bất ngờ của nghệ sĩ guitar Trần Tuấn Hùng trong bài hát “Bông hồng thuỷ tinh” đã khiến chàng trai này vỡ oà trong cảm xúc. Đông bật mí các đây 20 năm, trong một buổi liên hoan được nghe những ca khúc của ban nhạc Bức tường, tình yêu nhạc rock đã nhen nhóm và lớn lên trong tâm hồn chàng trai 12 tuổi, cho đến bây giờ, âm nhạc mãi là niềm đam mê và là ánh sáng trong cuộc đời anh.
Khi được hỏi về tương lai, Hà Văn Đông chia sẻ mình vẫn tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc, bên cạnh đó sẽ làm mọi việc để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và học thêm những nhạc cụ mà mình yêu thích. Món quà của "Trạm yêu thương" sẽ phần nào trang trải gánh nặng về kinh tế, giúp chàng trai yêu nhạc rock thêm vững vàng theo đuổi đam mê.