Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của thành phố
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị
Bài liên quan
Kiên quyết đình chỉ công trình vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy
Tập huấn pháp luật về giao thông cho học sinh miền núi
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”
Đó là đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, diễn ra sáng nay 28/11.
Ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên
Báo cáo tại Hội nghi do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày cho biết: Từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn TP về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có sự chuyển biến rõ nét.
Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, triển khai một cách sâu rộng, xác định rõ hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở với vai trò đầu mối là ngành tư pháp.
Nội dung, hình thức PBGDPL được đổi mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả, chất lượng, đi vào cả chiều rộng và chiều sâu hướng tới mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân và địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng đối tượng là học sinh, sinh viên, các đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL và đáp ứng mọi nhu cầu của mọi người trong xã hội. Nhiều mô hay, sáng tạo trong công tác PBGDPL được triển khai phù hợp với xu hướng hiện đại đã được thực hiện và triển khai.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen của Thành ủy cho các tập thể thực hiện tốt Chỉ thị 32-CT/TW |
Việc tuyên truyền phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cập nhật theo xu hướng hiện đại. Việc triển khai Ngày pháp luật Việt Nam trên địa bàn thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật…
"Nhìn chung, công tác PBGDPL trên địa bàn TP trong những năm qua đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, số xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm sau cao hơn năm trước. (Tính đến hết năm 2018 đã có 515/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 88,2%) tăng 87 xã, phường, thị trấn so với năm 2017 là 428/584 xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn tiếp cận chiếm tỷ lệ 73,28%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội cũng nhìn nhận, công tác tuyên truyền PBGDPL vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế như: Nội dung, hình thức PBGDPL được tổ chức thực hiện còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cách thức xây dựng nội dung trong các tài liệu tuyên truyền, phổ biến còn khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng đặc thù nên chưa tạo được sức hút và khơi dậy ý thức tự tìm hiểu pháp luật trong mỗi người dân.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc |
Việc tuyên truyền pháp luật mang tính chất chiều sâu chưa triển khai được nhiều. Công tác tuyên truyền, PBGDPL chỉ mới chủ yếu thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến, còn công tác giáo dục pháp luật hạn chế.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá công tác PBGDPL thời gian qua đã kịp thời tuyên truyền, phổ biết các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của thành phố và các vấn đề dư luận quan tâm; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô.
Hoạt động PBGDPL đã được các cấp ngành thành phố tiến hành thường xuyên liên tục, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương đơn vị và đối tượng.
Đồng tình với các hạn chế tồn tại báo cáo đã chỉ ra, Phó Bí thư Thường trực đề nghị các cấp ngành cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm: Trong đó nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác PBGDPL, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thật tốt công tác PBGDPL, coi đây là tiêu chí đánh giá cấp ủy hàng năm.
Đại biểu tham luận tại Hội nghị |
Cùng với đó, các cấp, ngành cần củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ làm công tác này; kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng việc thi hành pháp luật để xâm hại đến an toàn xã hội…
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi cá nhân tổ chức tiếp cận, sử dụng pháp luật làm phương tiện bảo vệ lợi ích hơp pháp của mình. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tăng cường PBGDPL tại các địa bàn có nhiều đơn thư khiếu nại; gắn công tác PBGDPL với việc triển khai các nhiệm vụ của thành phố, chương trình công tác của Thành ủy như: Cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử …
Tại hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW đã được nhận bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội.