Củng cố, hoàn thiện mạng lưới phục hồi chức năng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân
Hoạt động phục hồi chức năng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật
Bài liên quan
Hà Nội phát động chương trình sức khỏe Việt Nam
HLV Park Hang-seo làm đại sứ thiện chí chương trình “Sức khỏe Việt Nam”
Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới
Ra mắt trang tin điện tử về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV
Theo tổng điều tra quốc gia về người khuyết tật do Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1/2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,09% dân số.
Những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng lứa tuổi.
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật và chỉ khoảng 2,3% người khuyết tật tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương.
Để phát triển hoạt động này, ngay từ năm 2014, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu chính là củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng và nâng cao chất lượng dịch vụ để nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam, nhằm phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt giúp họ hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội.
Nhờ đó, kết quả thống kê của Bộ Y tế năm 2019 cho thấy, Việt Nam đã có 1 bệnh viện, 1 trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) tuyến Trung ương; 38 bệnh viện, trong đó có 10 bệnh viện phục hồi chức năng và bệnh viện y học cổ truyền - phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 550 khoa phục hồi chức năng thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến Trung ương, tỉnh, huyện. Có trên 9.000/11.000 xã phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng; khoảng 25% số xã cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tại xã và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Dịch vụ phục hồi chức năng được cung cấp ở tất cả tuyến chăm sóc sức khỏe; nhân lực ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hiện tại Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương đã cấp chứng chỉ hành nghề phục hồi chức năng cho 2.431 cá nhân, trong đó, có 1.721 kỹ thuật viên.
Hoạt động trợ giúp người khuyết tật ngày càng phát huy hiệu quả như mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Hoạt động này đã triển khai trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, hỗ trợ phục hồi chức năng tại nhà với nhiều người khuyết tật; cung cấp nhiều dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - TS Cao Hưng Thái, những năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chức năng nhiệm vụ, tổ chức hệ thống phục hồi chức năng; Biên soạn hệ thống quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng, hướng dẫn chẩn đoán điều trị phục hồi chức năng; Các quy định về giá, về bảo hiểm y tế…
Các văn bản này là hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của các cơ sở phục hồi chức năng, bảo đảm quyền lợi cả cho người bệnh, người khuyết tật và cả cho cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực phục hồi chức năng.
Cùng với đó, Bộ Y tế có nhiều hoạt động phối hợp với Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ như tổ chức các khóa tập huấn, hội nghị khoa học về phục hồi chức năng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phục hồi chức năng.
Gần đây nhất, để phát huy vai trò của phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh và người khuyết tật, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2; Sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng chống dịch Viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 đối với người khuyết tật tại cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát huy vai trò của phục hồi chức năng, cần có quy định cụ thể trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Còn theo Trưởng phòng Phục hồi chức năng và giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh TS Trần Ngọc Nghị, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành có 92 điều nhưng chưa có khái niệm về phục hồi chức năng, chưa hiểu rõ về bản chất, vai trò, tầm quan trọng của phục hồi chức năng trong ngành y tế và hệ thống khám, chữa bệnh; Chưa có điều, khoản cụ thể về phục hồi chức năng.
Do vậy, cần đưa quy định về phục hồi chức năng vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), khẳng định rõ hoạt động này là việc sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật, thuốc và thiết bị y tế để cải thiện, phát triển chức năng, giảm khuyết tật ở người có vấn đề về sức khỏe, phù hợp với tình trạng sức khỏe và môi trường sống của họ.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng sẽ giúp hiện thực hóa bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần cải thiện chức năng hàng ngày của con người, tăng cường sự hòa nhập, tham gia vào xã hội của người khuyết tật.