Cuộc chiến nơi tâm dịch Covid-19: Hẹn ngày trở về Thủ đô
Bao giờ hết dịch thì về
Tại “điểm nóng” Bệnh viện Dã chiến số 6, lực lượng y, bác sĩ từ miền Bắc vào cứu trợ chủ yếu từ Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, BVĐK Thái Bình, BVĐK Lạng Sơn và BVĐK Hà Nam… Tất cả mọi người vẫn đang ngày đêm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với hy vọng các bệnh nhân đều nhanh khỏe mạnh trở về nhà.
BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Dã chiến số 6 chia sẻ thêm: “Nhân lực tại BV Dã chiến số 6 đến từ nhiều BV khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên, các y, bác sĩ, nhân viên y tế phối hợp với nhau bài bản để cùng điều trị tốt nhất cho người bệnh, phát hiện sớm bệnh nhân có biểu hiện nặng, kịp thời cấp cứu và chuyển tuyến. Tập thể thầy thuốc tại BV Dã chiến số 6 đều quyết tâm và động viên nhau cố gắng vì người bệnh. Tất cả cùng đồng lòng chiến đấu với Covid-19. Bao giờ hết dịch thì về”.
Các bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 3 quyết tâm viết đơn xin gắn bó điều trị đến khi kiểm soát được dịch bệnh mới trở về |
Những ngày này, khi số bệnh nhân có chuyển biến nặng tăng lên, để điều trị kịp thời, giảm bớt áp lực cho bệnh viện tuyến trên, một số bệnh viện dã chiến ở tâm dịch TP HCM đã tăng số giường cấp cứu và oxy. Điển hình như Bệnh viện Dã chiến số 3.
Dù phải làm việc với công suất gấp 2-3 lần bình thường nhưng tinh thần của các bác sĩ luôn cố gắng chạy đua với thời gian để cứu người bệnh là quan trọng nhất.
Các đoàn y bác sĩ từ miền Bắc đến nơi tâm dịch Covid-19 |
Theo cán bộ và y, bác sĩ tại đây, đã bước chân vào bệnh viện dã chiến thì tất bật không có ngày nghỉ, quên luôn khái niệm cuối tuần. Có hôm phải lùa vội cơm chan canh để kịp đến bên giường cấp cứu chăm sóc bệnh nhân. Mỗi người vượt qua được hiểm nguy lại như một liều thuốc tinh thần dành cho y, bác sĩ.
Xem bệnh nhân Covid-19, nhất là những người có chuyển biến nặng, phải thở oxy như người thân của mình để chăm sóc, điều trị một cách tận tình nhất. Thế nên, nhiều y, bác sĩ thuộc các đoàn cứu trợ miền Bắc đã viết đơn xin gắn bó điều trị đến khi kiểm soát được dịch bệnh mới trở về.
Chưa đầy hai tháng, 2 lần xung phong vào “điểm nóng”
Bước vào Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang, xen lẫn tiếng máy móc là những tràng ho dài, khản đặc không ngớt của các bệnh nhân Covid-19. Nơi đây các y, bác sĩ hiện đang chiến đấu giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch.
Dưới cái nắng oi ả của miền Tây Nam Bộ, không khí căng thẳng bao trùm bên trong phòng họp tại tầng 2 của trung tâm hồi sức, nơi các y, bác sĩ cân não đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân nặng nhất tại đây. Nhiều bác sĩ tại đây đến từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, có những người cũng đã hai lần xung phong vào tâm dịch.
BSCKII Đào Trọng Thành, Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô |
Chỉ mới vừa hết thời gian cách ly y tế sau chuyến đi chống dịch tại Bắc Giang chưa được bao lâu, BSCKII Đào Trọng Thành - Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô lại tiếp tục lên đường vào “điểm nóng” Tiền Giang. Đây là lần thứ hai, anh xung phong vào tâm dịch. Chia sẻ với chúng tôi, BS Thành kể: “Là một chiến sĩ áo trắng, tôi không quản ngại khó khăn mặc dù biết rằng đây sẽ là một chuyến đi trường kỳ nhưng khi bệnh viện có lời kêu gọi tôi lại tiếp tục xung phong lên đường tiếp sức cho miền Nam”.
Bước ra khỏi khu vực điều trị với chiếc áo ướt đẫm mồ hồi, tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, anh cho biết: “Chúng tôi vừa tham gia trực tiếp công tác điều trị, vừa đào tạo công tác chuyên môn cho các nhân viên y tế tại trung tâm. Nhân lực tại địa phương mỏng, đặc biệt số lượng bác sĩ hồi sức và điều dưỡng còn ít, bên cạnh đó trung tâm mới được thành lập, sự đồng bộ phối hợp giữa các khâu chưa được nhuần nhuyễn nên còn nhiều khó khăn”.
Đợt dịch lần thứ 4 có diễn biến phức tạp nhất tính đến nay với số ca mắc và tử vong cao kỷ lục. Mặc dù biết đây là chuyến đi dài và đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng với sự động viên từ gia đình và bệnh viện, anh như được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến này.
Đội ngũ y bác sĩ làm việc với công suất gấp 2 - 3 lần |
“Ngày nào vợ và con cũng gọi điện hỏi thăm, dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe. Thông tin trên báo đài cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh, sự nguy hiểm của đợt dịch thứ 4, vợ tôi mặc dù lo lắng nhưng luôn động viên chồng cố gắng, bảo vệ bản thân và hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm trở về với gia đình”, anh tâm sự.
Đã có những tiếc nuối, xót xa khi bệnh nhân không qua khỏi nhưng cùng với đó là niềm vui, hạnh phúc khi có nhiều bệnh nhân được cứu sống. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng các y, bác sĩ của BV Hữu nghị Việt - Xô cùng các nhân viên y tế của BV Đa khoa Tiền Giang luôn nỗ lực từng giây, từng phút quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến này.