"Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế"
Tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" |
Tọa đàm có sự tham dự của các vị khách mời: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ThS.BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.
Đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.
Chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở, các khách mời tại Tọa đàm đều khẳng định: Hơn cả sự hy sinh, đó là niềm tự hào khi những nhân viên y tế được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định.
Thời gian qua, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ và cần có các bước cụ thể hơn để triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế. Đây là việc làm cấp thiết giúp bảo đảm và củng cố đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là nhân lực y tế cơ sở trong bối cảnh mới hiện nay.
Bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được. |
Ở đâu bệnh nhân cần thì nhân viên y tế có mặt ở đó
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhắc lại một số hy sinh của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch như bác sĩ Minh Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ lùi thời gian kết hôn; hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch; những ban thờ vái vọng người thân qua đời mà những nhân viên y tế không về được. Nhiều bác sĩ tình nguyện viên gần như không nghỉ, như bác sĩ Trần Công Minh của Bệnh viện Chợ Rẫy, khi vừa kết thúc hỗ trợ phòng chống dịch ở Bắc Giang lại bắt tay ngay vào công tác khám chưa bệnh tại bệnh viện hồi sức cấp cứu ở TPHCM
Đây là những minh chứng cụ thể về sự hy sinh, tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Chỉ riêng đợt thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy nhiểm nhất.
Chia sẻ về khó khăn lớn nhất đối với nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đó không phải là sự mệt mỏi, vất vả do công việc, mà đó là khi người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Dần dần biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa |
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo COVID-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Trong giai đoạn này, khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, nhưng tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nên không ai bỏ cuộc.
“Chúng tôi không sợ COVID-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Từng tham gia vào Bệnh viện dã chiến số 16 TPHCM, ThS.BS. Đỗ Doãn Bách cho biết: “Tôi cố gắng giải toả cho bác sĩ, bệnh nhân về mặt tâm lý. Do số lượng bác sĩ không nhiều nên không thể yêu cầu đầy đủ mọi thứ, nhưng chúng tôi luôn cố gắng chữa trị, mong bệnh nhân, người bệnh sớm qua khỏi.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nguồn thu của bệnh viện sẽ giảm nhiều, nhưng các bác sĩ và nhân viên y tế luôn thấu hiểu cho ngành y tế và cho bệnh viện”.
ThS. Đỗ Doãn Bách: Trong điều kiện thiếu thốn, chúng tôi luôn cố gắng chữa trị, mong bệnh nhân sớm qua khỏi |
Điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế
Cũng tại Tọa đàm, làm rõ hơn về số liệu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nêu hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, đây là khảo sát từ tháng 9-11/2021 và thời điểm đó đang là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác phòng chống dịch nên việc chi trả còn chưa kịp thời. Khi đó, tất cả nhân viên y tế lên đường không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ở đâu bệnh nhân cần thì nhân viên y tế có mặt ở đó.
Đến nay, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã có các công văn gửi y tế các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả phụ cấp ngành cho nhân viên y tế.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức quan tâm đến chính sách của nhân viên y tế thể hiện ở Nghị quyết 37 ngày 29/3/2020, Nghị quyết 16 ngày 8/2/2021 về một số chế độ đặc thù phòng chống dịch COVID-19; Nghị quyết 58 ngày 8/6/2021; Nghị quyết số 145 ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi một số chính sách phòng chống dịch…
"Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời cho những người tham gia phòng chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Đồng thời Thứ trưởng Tuyên cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó nâng phụ cấp từ 40-70% lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cơ chế chính sách của ngành y tế có 3 nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng.
Thứ nhất là ngành y đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.
Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. “Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?”, ông Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi. Đối với ngành y tế, vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được nhưng huyện, xã không có điều kiện thì làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Ở đâu bệnh nhân cần, cán bộ y tế có mặt ở đó! |
Thứ ba, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.
“Theo tôi, hệ thống của chúng ta trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế là sửa Nghị định 56 để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Nhưng tôi đề nghị trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những cái phải thấp hơn. Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng chống dịch chưa có tiền lệ bao giờ”, ông Lợi nêu ý kiến.
Còn GS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất cần có Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
“Vừa qua, hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã phát huy hiệu quả rất nhiều. Từ nãy giờ, tôi tham gia Toạ đàm nhưng vẫn thăm, khám bệnh cho khoảng hơn chục bệnh nhân. Hiện nay, chúng tôi đều khám bệnh một cách miễn phí, gần 10.000 ca đang theo dõi trên hệ thống cổng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đường dây nóng hotline… Hiện chưa có cách nào để chi trả, cũng chưa có hướng dẫn, trách nhiệm không rõ vì chưa có Nghị định”, GS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Bên cạnh đó, phải có chính sách chi trả cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị COVID-19 lâu dài; có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản; có hướng dẫn cụ thể về vấn đề con người làm cơ sở pháp lý để tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư tham gia phòng chống COVID-19.
“Cuối cùng, bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được”, GS.TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ quan điểm.