Đại học Sư phạm Hà Nội dự thảo không tuyển thí sinh nói ngọng: Học sinh, giáo viên nói gì?
Dừng tuyển sinh chương trình song bằng lớp 6: Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì? Tuyển sinh sai đối tượng, trường đại học có thể bị phạt tới 100 triệu đồng |
Sinh ra và lớn lên ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), em Nguyễn Minh Trang có lực học khá, giỏi môn Ngữ văn. Ước mơ của Minh Trang là được trở thành một giáo viên dạy Văn. Vì vậy, Trang dự định năm nay sẽ đăng ký xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, dự thảo đề án tuyển sinh vừa được chia sẻ lên các phương tiện truyền thông khiến Trang băn khoăn, lo lắng.
Minh Trang tâm sự: “Học sinh quê em hầu như bạn nào cũng mắc phải lỗi phát âm sai về dấu và một số từ địa phương khác. Mọi người hay phát âm những tiếng có dấu sắc thành dấu nặng, dấu ngã thành sắc, "n" và "l", "vẫn" đọc thành "vưỡn", "mày" đọc thành "mầy". Nghe nhiều, nói nhiều thành quen nên hầu như ai cũng cho đó là bình thường cho đến khi chúng em tiếp xúc với những người ở địa phương khác”.
Không chỉ ở huyện Quốc Oai mà nhiều địa phương khác trên địa bàn TP Hà Nội, học sinh đều có những lỗi phát âm riêng. Ví dụ, huyện Đông Anh, Gia Lâm thường bị nói ngọng “l” và “n”, huyện Thanh Oai hay bị nói chệch dấu hoặc sai phụ âm (ví dụ “mợ” là “mự”, “cởi” là “cửi”) còn ở huyện Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức học sinh có thể bị lỗi phát âm sai phụ âm hoặc sai dấu. Thậm chí, trên cùng một huyện, một xã nhưng mỗi làng lại có một lỗi phát âm không giống nhau.
Dù đã cố gắng sửa lỗi nhiều lần nhưng vẫn chưa thành công, Trần Thu Thủy (ở huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Vì sinh ra và lớn lên ở đây nên em rất khó để thay đổi”.
Thủy cho biết, em và nhiều bạn bè của mình đã có dự định gác lại ước mơ làm giáo viên để chuyển sang học ngành khác, trường khác vì lo lắng không thể “qua cửa” trước quy định này.
“Nếu dự thảo này được thông qua sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho chúng em. Em mong nhà trường sẽ cân nhắc để thí sinh thực sự có đam mê với nghề giáo có thêm cơ hội”, Thủy bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều người cũng cho rằng nên áp dụng quy định này từ lâu vì việc phát âm ảnh hưởng khá nhiều đến các em học sinh, nhất là mầm non và tiểu học. “Việc nâng cao tiêu chuẩn khi tuyển sinh thí sinh vào ngành sư phạm cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy. Thầy cô phát âm sai ảnh hưởng đến học sinh, nhất là đối với học sinh mầm non, tiểu học”, chị Minh Thúy (Hà Nội) chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm “là giáo viên không được nói ngọng”, tuy nhiên, thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nên cân nhắc ban hành quy định vào thời điểm nào cho phù hợp.
Thầy Phi chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đang đến rất gần, thí sinh cũng đã chuẩn bị rất kỹ càng trong nhiều năm trời cho dự định, ước mơ của mình. Vì vậy, nếu dự thảo được thông qua vào “phút 90” như vậy sẽ là thiệt thòi lớn với nhiều thí sinh có đam mê thực sự với nghề giáo.
“Đối với địa bàn huyện Gia Lâm, người dân, học sinh nơi đây cũng có nhiều người mắc lỗi phát âm sai “l” và “n”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây mới là khâu tuyển sinh vào trường. Các em còn có 4 năm học tập, rèn luyện ở trường đại học. Vì vậy, nhà trường có thể cân nhắc đến việc siết chặt đầu ra. Ví dụ trong 4 năm ấy, sinh viên không sửa được tật nói ngọng thì không được tốt nghiệp. Dự thảo chưa được ban hành nên tôi hi vọng nhà trường cân nhắc để không bỏ phí mất những sinh viên thật sự tài năng, tâm huyết và yêu nghề”.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường Sư phạm nhưng lo lắng khó qua cửa ải về quy định nói ngọng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đề án tuyển sinh năm nay của nhà trường vẫn đang trình và chờ phê duyệt chính thức từ Bộ GD&ĐT.
Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến sẽ tuyển 7.094 thí sinh cho năm 2021, so với năm 2020 tăng gần gấp đôi. Cụ thể, trường sẽ tuyển sinh qua 4 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021; Xét tuyển các đối tượng đáp ứng điều kiện do trường đề ra; Xét học bạ THPT; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với kết quả thi năng khiếu tại Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ngoài ra, các đối tượng đáp ứng quy định tại khoản 2, điều 7 của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học sẽ được trường xét tuyển thẳng và tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ GD&ĐT. Với những thí sinh đạt kết quả tốt bài luận, trường cũng sẽ ưu tiên cộng điểm hoặc xét tuyển thẳng.
Đặc biệt, Đại học Sư phạm còn đưa ra một số điều kiện đối với thí sinh đó là không bị dị hình, dị tật, nói lắp, nói ngọng. Trong khi đó, đối tượng dự thi vào ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh phải đạt yêu cầu về sức khỏe; không bị cận hoặc viễn thị quá 3dp; không có dị tật bẩm sinh, hình xăm phản cảm; nam cao trên 1,6m và nữ trên 1,55m.