Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Quyết tâm tạo nên hào khí mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
Người làm báo nêu cao tinh thần dấn thân cống hiến, đối mặt hiểm nguy Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV: Việc 5 năm làm trong 1 năm |
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí |
Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra trong 2 ngày, ngày 9 và 10/12/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...; Các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, nhà khoa học...
Quang cảnh buổi gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X |
Về dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ X có 2.300 đại biểu. Đại biểu cao tuổi nhất là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (Thành phố Hồ Chí Minh), năm nay 95 tuổi. Đại biểu nhỏ tuổi nhất là Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. 60% các đại biểu là các điển hình trực tiếp trong lao động, học tập, chiến đấu.
Đại hội sẽ tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Khi đó, chúng ta mới giành được chính quyền 3 năm, công cuộc kháng chiến chống Pháp rất cam go, đòi hỏi cả nước chung sức, đồng lòng để giải phóng đất nước.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, có một học giả nói rằng: Nếu Việt Nam trở thành biểu tượng để thế giới biết đến thì có nhiều sự kiện nhưng trong lịch sử có 2 hào khí lớn của nước ta là: Hào khí Đông A 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông với Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng. Hào khí thứ hai là cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ… thống nhất đất nước.
"Có một thời thế giới phải khẳng định, Việt Nam là tinh hoa, là khí phách, lương tâm của thời đại. Bây giờ đến thời kỳ đổi mới, chúng ta có thể làm nên hào khí được hay không đặt hết lên vai mọi người dân chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, có uy tín và vị thế như ngày nay. Công cuộc đổi mới có ý nghĩa lịch sử và chúng ta mong muốn, quyết tâm tạo nên hào khí mới trong thời đại ngày nay", ông Lê Mạnh Hùng nói.
Muốn làm được điều đó thì tất cả mọi người cùng chung sức, cùng đồng lòng thì mới có thể làm được. Đây là thời điểm quan trọng khi chúng ta tiến hành đánh giá 35 năm đổi mới, trong đó có cả đánh giá về công tác thi đua khen thưởng để tạo ra quyết tâm mới, khí thế mới, nỗ lực mới để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
"Chân giá trị của một quốc gia không phải cái gì đó to lớn mà bắt nguồn từ mỗi người cán bộ, công chức, viên chức và công dân bình thường để khẳng định nên một thương hiệu quốc gia. Nếu như trước đây, yêu nước trong thời kỳ chiến tranh phải xả thân vì đất nước thì bây giờ yêu nước, trước hết phải làm tốt bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Chỉ một người sơ sẩy không thực hiện cách ly Covid-19 làm khổ rất nhiều người, làm khổ cả tiềm lực kinh tế, truy tìm dấu vết, điều tra, bao nhiêu cơ quan phải cách ly. Chân giá trị của mỗi con người sẽ làm nên chân giá trị của mỗi quốc gia", ông Hùng nhấn mạnh.