Đấu giá biển số ô tô không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền
Theo dự thảo được Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long công bố thì biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Dự kiến biển được cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm (tùy thuộc vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương để địa phương quy định thời gian đấu giá).
Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.
Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá được xác định là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, với vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM), mức khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) có mức 20 triệu đồng.
Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển sổ được bán cho người đó.
Việc đấu giá sẽ được thực hiện công khai, minh bạch. Sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định thì số tiền thu được từ đấu giá biển số đó sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã có sự chuẩn bị từ lâu và đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền. Do đó Chính phủ nên nghiên cứu một mức giá khởi điểm phù hợp, không cao quá để tạo sự hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng cần sửa lại dự thảo nghị quyết đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng từ tên gọi đến nội dung để dễ hiểu, dễ thực hiện.
Nếu được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp, Nghị quyết sẽ được thực hiện thí điểm trong thời gian 3 năm.