Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong thực hiện dự án đầu tư PPP
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động giải quyết công việc Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy trong mô hình chính quyền đô thị “Hồn cốt” của Luật Thủ đô là phân cấp, phân quyền |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Dự án giao thông trọng điểm thực hiện theo hình thức PPP
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Theo Tờ trình tóm tắt Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, chính sách 1 về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) quy định: Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức này không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án có danh mục tại phụ lục số 01 kèm theo.
Thảo luận về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần bỏ danh mục tại phụ lục số 01 kèm theo trong Nghị quyết này, bởi trên thực tế, tất cả các dự án giao thông trọng điểm đều được hưởng cơ chế đầu tư PPP.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lấy ví dụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mặc dù đã triển khai thực hiện trước khi Nghị quyết ban hành nhưng đương nhiên được hưởng chính sách mới của Nghị quyết này.
“Các dự án đầu tư PPP cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương triển khai thực hiện, quyết định toàn diện để hạn chế việc xin ý kiến các Bộ, ngành; Đi kèm với đó là các hướng dẫn, quy định của pháp luật” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các dự án giao thông trọng điểm để thực hiện theo hình thức PPP. Cùng đó, đề nghị Chính phủ bỏ danh mục tại phụ lục số 01 kèm theo.
“Các dự án giao thông trọng điểm là phải được hưởng cơ chế đặc thù và theo hình thức PPP, chứ không phải không nằm trong phụ lục thì các địa phương lại đi xin - cho. Mục đích của chính sách này nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Giải phóng mặt bằng, tái định cư do Nhà nước triển khai
Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tại tổ |
Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, thời gian qua, các dự án đầu tư công triển khai chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như các thủ tục đầu tư. Trong bối cảnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, việc thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là rất cần thiết.
Trao đổi về hình thức đầu tư PPP, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trên thực tế có nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng lớn nên việc cố định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án không quá 70% tổng mức đầu tư như quy định tại Nghị quyết là không hợp lý.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhất trí với quan điểm của các đại biểu Đoàn TP Hà Nội là phải tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để việc huy động vốn đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong đó, phần bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư do Nhà nước triển khai thực hiện và không tính vào tổng số vốn đầu tư của dự án.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thời gian qua, việc triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu đi lại, phân phối, lưu thông hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện vẫn còn một số vấn đề tồn tại liên quan đến cơ chế chính sách trong đầu tư, thủ tục đầu tư, huy nguồn lực đầu tư là những trở ngại cho việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
“Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán sau thiết kế cơ sở đối với Tiểu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia trong tổng thể dự án PPP vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng về trách nhiệm; đây cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tài chính, thanh toán đối với vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức PPP theo các quy định còn một số tồn tại. Việc giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án qua nhiều địa phương có một số nội dung cần được cập nhật, bổ sung” - đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, Nghị quyết thí điểm được xem xét thông qua lần này sẽ đáp ứng được kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.