Đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học
Hà Nội ghi nhận 424 ca mắc tay chân miệng Không để dịch tay chân miệng lây lan trong trường học Cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng Hà Nội ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng |
Hà Nội ghi nhận 770 ca
Thống kê chi tiết số ca mắc tay chân miệng trên cả nước đến nay cho thấy đã có 13.746 trường hợp. Số liệu này tăng hơn 3.000 ca so với số liệu Bộ Y tế này công bố ngày 10/4.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cảnh báo số mắc tay chân miệng bước vào đỉnh dịch lần 1, tuần cao nhất ghi nhận gần 200 ca mắc, dự báo thời gian tới sẽ còn gia tăng.
Thống kê từ ngày 12 - 19/4, Hà Nội ghi nhận 195 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 34 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc, không có ca tử vong, tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều ổ dịch tay chân miệng được phát hiện tại các trường mầm non và mẫu giáo |
Đáng chú ý, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc trẻ nhỏ dễ lây bệnh cho nhau tại trường khiến số ca tay chân miệng gia tăng, ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo.
Tại TP HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ ngày 8 - 14/4 có 287 ca mắc tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 1 tháng trước.
"Đến thời điểm này cả nước chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh", TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, có tốc độ lây lan nhanh và dễ thành dịch xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng từ tháng 4 - 6 và 10 - 12. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tiếp xúc đồ chơi, quần áo… nhất là trong môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.
Chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường học
Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, tháng 4 - 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới và không để xảy ra trường hợp tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tay chân miệng trên địa bàn huyện Ba Vì và Đông Anh.
Ghi nhận tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì, tính đến ngày 9/4 có 19 ca mắc (phân độ 1) và 2 ổ dịch (1 ổ dịch cộng đồng và 1 ổ dịch tại trường Mầm non Phú Châu). Các ca bệnh phân bố tại 3 thôn: Phú Xuyên 1 (10 ca); Phú Xuyên 2 (3 ca) và Phú Xuyên 3 (6 ca).
Đoàn kiểm tra đã tới giám sát ổ dịch tay chân miệng tại Trường mầm non Phú Châu. Đến ngày 9/4, ghi nhận 17 ca mắc và 3 trường hợp nghi ngờ. Các ca bệnh phân bố ở 5 lớp học, trong đó nhóm tuổi có nhiều trường hợp mắc nhất 24-36 tháng là 13 ca mắc. Tất cả các trường hợp mắc hiện đang được điều trị và theo dõi tại nhà.
Trung tâm y tế huyện Ba Vì cùng Trạm y tế xã Phú Châu đã tiến hành điều tra, khử khuẩn tại trường học 2 lần bằng Cloramin B. Nhà trường cũng chủ động mua hóa chất khử khuẩn và tiến hành vệ sinh lớp học, dụng cụ học tập, đồ chơi hàng ngày từ khi ghi nhận ổ dịch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng chống dịch thực hiện tuyên truyền hàng ngày trên hệ thống loa truyền thanh.
Ghi nhận tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, tính đến ngày 12/4, toàn huyện có 27 trường hợp mắc tay chân miệng (số mắc đứng thứ 8 toàn thành phố). Trong đó, xã Mai Lâm ghi nhận 2 trường hợp mắc và 1 ổ dịch tại trường Mầm non tư thục Hồng Phúc.
Tủ hấp sấy bát đĩa của học sinh trường Mầm non Hồng Phúc (huyện Đông Anh) đảm bảo an toàn, sạch sẽ |
Ổ dịch tại trường Mầm non tư thục Hồng Phúc ghi nhận ngày 28/3, gồm 4 bệnh nhân đều là trẻ cùng 1 lớp (lớp trẻ từ 12 - 24 tháng tuổi); trong đó 2 trẻ tại xã Mai Lâm và 2 trẻ tại xã Dục Tú.
Ngay sau khi các trẻ trong lớp có biểu hiện nổi mụn nước ở tay, chân, trường Mầm non Hồng Phúc đã thông báo cho Trạm y tế xã Mai Lâm để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch.
Sau đó, Trạm y tế xã Mai Lâm đã cử cán bộ chuyên trách phòng chống dịch trực tiếp xuống phối hợp với nhà trường tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý dịch. Trạm đã cấp phát Cloramin B cho nhà trường và hướng dẫn cách pha dung dịch Cloramin B để thực hiện khử khuẩn.
Nhà trường đã được Trạm y tế xã phát bột Cloramin B và hướng dẫn cách pha để khử khuẩn lớp học hàng ngày (sau giờ tan học) và ngâm rửa đồ chơi của trẻ (ngay sau khi ghi nhận ổ dịch và hàng tuần). Công tác xử lý ổ dịch tại trường mầm non cơ bản được thực hiện đúng theo quy định.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, các nhà trường tiếp tục phát huy và duy trì chế độ vệ sinh thường xuyên các khu vực khuôn viên của trường học, đảm bảo cho trẻ ở sạch, uống sạch, bàn tay sạch; đảm bảo cơ số thuốc thiết yếu, trang thiết bị y tế phục vụ công tác sơ cấp cứu đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho giáo viên cũng như học sinh nhà trường.
Các trường chủ động phối hợp với y tế địa phương trong công tác phòng chống, xử lý dịch bệnh; tiếp tục tăng cường tuyên truyền vệ sinh môi trường phòng chống dịch…