Đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng "vùng đỏ", bóc tách F0, truy vết F1
Tiếp tục xét nghiệm diện rộng có trọng điểm
Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện các F0 tại cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị.
Cụ thể, thành phố sẽ xét nghiệm diện rộng có trọng điểm từ ngày 27/8 đến ngày 4/9 với tổng số khoảng 200.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, triển khai lấy 80.000 mẫu xét nghiệm, thực hiện từ ngày 27/8 đến ngày 30/8. Giai đoạn 2, triển khai lấy 120.000 mẫu xét nghiệm từ ngày 31/8 đến ngày 4/9.
Ở hai giai đoạn này, thành phố lựa chọn địa bàn xã, phường nguy cơ cao tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; Khu tập thể cũ đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà, ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều) để lấy mẫu xét nghiệm theo hình thức đại diện hộ gia đình (1-2 người/hộ).
Với giai đoạn 2, CDC Hà Nội lấy thêm mẫu xét nghiệm đối với đối tượng nguy cơ cao (người làm các ngành nghề gồm: Shipper, người làm dịch vụ vận tải (lái xe các loại); Người làm tại các công ty cung ứng hàng hóa, thực phẩm; Người bán hàng tại chợ, siêu thị...).
Quận Ba Đình tiến hành xét nghiệm cho 7.000 người liên quan đến khu vực chợ Ngọc Hà |
Kế hoạch cũng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực của thành phố để ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “nhóm đỏ”, khu vực có nguy cơ “nhóm da cam” để trong thời gian nhanh nhất khống chế, thu hẹp “nhóm đỏ” và “nhóm da cam”, bảo vệ an toàn cho “nhóm xanh” và “vùng xanh”.
Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1/9/2021 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ: Việc xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách triệt để các ca F0, truy vết F1 để chuyển cách ly tập trung; Từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh”; Tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh” đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; Tại các khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; Các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, thời gian tới, thành phố cần thực hiện tốt công tác xét nghiệm tại cộng đồng.
Để lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm hiệu quả, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, việc triển khai lấy mẫu vẫn do cán bộ y tế của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đảm nhận, theo hình thức lấy mẫu tập trung hoặc tại hộ gia đình. Kỹ thuật xét nghiệm được triển khai là phương pháp RT-PCR (mẫu gộp).
Các mẫu sẽ được CDC Hà Nội, khối bệnh viện công lập của thành phố, bệnh viện ngoài công lập và bệnh viện Trung ương, bộ, ngành thực hiện xét nghiệm khẳng định.
Bảo đảm an toàn các dây chuyền tiêm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: "Thành phố không chỉ chia ra các các vùng nguy cơ: Đỏ, da cam, xanh mà còn chia các đối tượng nguy cơ như: Tham gia chuỗi cung ứng, người thường tiếp xúc nhiều… Đối tượng nguy cơ có thể có cả trong "vùng xanh".
Do đó, việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng hiện nay là đặc biệt quan trọng nhằm nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Xét nghiệm sàng lọc song hành cả theo vùng, khu vực với các đối tượng sẽ có kết quả tổng thể hơn, không sợ bị bỏ sót mầm bệnh".
Ông Chu Ngọc Anh cũng lưu ý Sở Y tế cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm theo phương châm "chính xác nhất, nhanh nhất". Bởi tiêm vắc xin và xét nghiệm diện rộng là hai mũi chủ công của Hà Nội ngay lúc này để sớm kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Hai mũi chủ công này phải tuyệt đối an toàn, không được sơ xẩy bất kỳ giây phút nào.
Đối với biện pháp tiêm vắc xin, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện của các bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở; Sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, bảo đảm an toàn, đúng quy định khi tiếp nhận thêm vắc xin.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến hết ngày 31/8, Việt Nam đã tiêm hơn 20,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại; Trong đó có hơn 2,7 triệu người được tiêm đủ 2 mũi.
Ảnh minh họa |
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, tính đến hết 18h ngày 1/9, thành phố đã tiêm được 2.176.774 mũi (1.980.156 mũi 1; 196.618 mũi 2), tương đương 26,3 % dân số và bằng 35,68% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Với phương châm "vắc xin về đến đâu tiêm ngay đến đó" và phấn đấu tăng tốc độ, diện bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19, những ngày gần đây, Hà Nội đã triển khai tiêm trung bình 20.000-50.000 mũi tiêm/ngày; Thậm chí, cao điểm lên tới hơn 70.000 mũi tiêm/ngày.
Đặc biệt, thành phố không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng nhưng phải bảo đảm an toàn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Quận Thanh Xuân di chuyển người dân ra khỏi khu vực phong tỏa tại phường Thanh Xuân Trung tới khu cách ly ký túc xá Đại học FPT (Hòa Lạc, Thạch Thất) |
Bên cạnh đó, thành phố chủ động kích hoạt các khu cách ly tập trung bảo đảm trên 100.000 chỗ cho các đối tượng F1 và khẩn trương kiểm tra, rà soát sẵn sàng tăng công suất cách ly để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Các cơ quan chức năng thành phố khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; Bảo đảm đủ oxy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại tất cả các tầng; Nâng cao năng lực điều trị người nhiễm Covid-19 ngay từ tầng 1 để giảm tải cho tầng 2, 3.
Đồng thời, thành phố tiếp tục đảm bảo việc tiếp nhận, điều trị các bệnh khác kịp thời, hiệu quả; Tiếp tục đầu tư, củng cố nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là các trạm y tế xã, phường, thị trấn.