Đề nghị cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, giáo viên, y bác sỹ
Người lao động vui mừng vì sắp được tăng lương tối thiểu vùng |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: QH |
Chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022.
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị nghiên cứu bổ sung tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc. Đây là vấn đề đang nổi lên ở rất nhiều địa phương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Thêm vào đó là các loại dịch bệnh khác đang nổi lên như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, cúm A... Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch, hết sức phức tạp. Ở một số địa phương việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng chưa đạt yêu cầu.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, nhất là y tế cơ sở qua 2 năm chống dịch đã chịu tác động lớn. Hiện nay, tình trạng nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công lập, nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã xin nghỉ việc nhiều.
Ông Tùng cho biết, báo cáo gần đây nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy, tính từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có 9.397 người xin thôi việc, nghỉ việc. Trong đó, có nhiều nguyên nhân như căng thẳng, mua sắm thuốc khó khăn... Tuy nhiên, vấn đề lớn nổi lên là chế độ lương, phụ cấp thấp, chưa thỏa đáng.
Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, còn lại nguồn thu không lớn.
Trong khi đó, một bác sĩ sau 6 năm học và 18 tháng thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề mà tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì lương tháng khi mới vào khoảng 5 triệu đồng. Số tiền này đã cộng 40% mức phụ cấp ưu đãi.
"Như thế không thể đủ sống, mức tiền này cũng chưa trừ nộp tiền bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế. Nếu so sánh với các cơ sở y tế ngoài công lập thì thấp hơn rất nhiều. Việc này tạo ra áp lực và luồng hút nhân viên y tế công lập sang khu vực khác", ông Tùng nói.
Các đơn vị liên quan đã đề xuất khắc phục tình trạng này. Trước hết là sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP về phụ cấp ưu đãi với viên chức y tế công lập. Nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn để thu hút được nhân viên y tế.
Thứ 2 là xem xét từng bước tính đúng, tính đủ hơn giá dịch vụ y tế để bù đắp, tăng thu nhập cho nhân viên y tế.
Thứ 3 là xem xét điều chỉnh mức định biên đối với y tế tuyến cơ sở. Hiện nay, định mức biên chế đối với các cơ sở y tế rất thấp. Số người làm việc không đủ, cần được điều chỉnh.
Ông Tùng cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đối với vấn đề này, ngăn làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, không chỉ nhân viên y tế đang có chế độ lương thấp. Trong hệ thống Nhà nước, tiền lương những người mới tuyển dụng vào đều rất thấp. Như giáo viên mầm non chuyển ra ngoài làm doanh nghiệp, giờ đây muốn thu hút họ quay lại rất khó bởi lương rất thấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kiến nghị, hiện tại dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế đang phục hồi nên phải tập trung lại việc cải cách tiền lương, từ đó giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trước đó, trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có 5 nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, có giải pháp cụ thể để thực hiện và đến nay đã có kết quả, như: Vấn đề môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông; vấn đề xử lý tin xấu độc trên môi trường internet; vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng tại cơ sở y tế của Trung ương và địa phương; kết quả xử lý đối với 2 vụ việc cụ thể phức tạp về an ninh, trật tự ở địa phương.