Đề xuất học lý thuyết lái xe trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Theo đó, đề án kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép áp dụng hình thức đào tạo lái xe trên nền tảng số - sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giảng dạy như máy tính, điện thoại, Internet, phần mềm, ứng dụng, trang web.
Học viên có thể chủ động học từ xa mà không còn phải bắt buộc đến trung tâm học trực tiếp, có điểm danh. Học trực tuyến giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Hiện Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất hai phương án đào tạo lý thuyết với lái xe.
Thứ nhất, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình đào tạo không tập trung hoặc tập trung đối với người học nội dung lý thuyết các hạng A1, A2, A3, A4 (giấy phép lái xe máy), B1 (giấy phép lái ôtô không kinh doanh vận tải).
Với các hạng B2, C, D, E và hạng F (giấy phép lái xe con, xe tải kinh doanh vận tải), cơ sở đào tạo sẽ xây dựng chương trình đào tạo tập trung. Thứ hai, các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình học lý thuyết kết hợp trực tiếp và học qua phần mềm trực tuyến với các hạng giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, hiện tại, Luật Giao thông đường bộ đang quy định học lý thuyết từ hạng B2 trở lên theo hình thức tập trung. Vì thế, quy định này cần được sửa cho phù hợp thực tế.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã giảm thời lượng học và sửa đổi nội dung học lý thuyết của các môn sao cho bớt trùng lặp.
Đối với những người không hành nghề lái xe mà thi bằng lái hạng B1 thì không cần học môn "Nghiệp vụ vận tải". Đối với các hạng ô tô còn lại, học viên vẫn phải học để trang bị kiến thức cơ bản về nghiệp vụ vận tải, đáp ứng yêu cầu của người hành nghề lái xe, song thời gian học sẽ được điều chỉnh.
Về thực hành, để giảm tải bớt áp lực cho học viên, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét cho phép cấp chứng chỉ đào tạo khi học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái. Quy định trước đó, học viên cần đảm bảo hoàn thành số giờ học thực hành từ 68 - 94 giờ.