Đi chúc Tết đừng quên phòng bệnh hô hấp cho trẻ
Chủ động phòng bệnh cho trẻ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Đặc biết, trong dịp Tết, trẻ em thường được bố mẹ đưa đi chơi Tết. Chế độ di chuyển, hoạt động liên tục trong ngày Tết, ngủ không đủ giấc, ăn uống khác với ngày thường dẫn đến nguy cơ trẻ dễ bị ốm.
Trẻ theo bố mẹ về quê ăn Tết phải di chuyển bằng xe máy, ô tô, tàu hỏa hay máy bay đường dài nên thường quấy khóc, hoặc vật lộn do say tàu xe, mệt mỏi nhiều, thậm chí đùa nghịch quá mức...
Phụ huynh cần cho trẻ mặc ấm, chủ động phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán |
Những hoạt động chúc Tết, thăm hỏi người thân, họ hàng, bạn bè hoặc du lịch, vui chơi ngày Tết của bố mẹ và bé cùng với gia đình, đặc biệt là việc bé phải thức quá khuya hoặc ngủ không đủ giấc làm giảm khả năng đề kháng – miễn dịch của bé.
Mặt khác, hiện tại ở miền Bắc, dịp Tết năm nay không khí chuyển lạnh đột ngột, việc cho bé ra đường hay ngoài trời nhiều vào buổi sáng hoặc ban đêm đều có nguy cơ cao bị ốm do nhiễm lạnh đường hô hấp.
Theo các bác sĩ, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm trong không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập gây bệnh đối với trẻ em, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thời điểm này xoay quanh các mầm bệnh quen thuộc như RSV (virus hợp bào hô hấp), virus adeno, cúm mùa, COVID-19...
Để phòng bệnh COVID-19 và các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong dịp Tết Nguyên Đán, Bộ Y tế khuyến cáo người thuộc nhóm nguy cơ cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin, kể cả COVID-19 và những loại vắc xin khác như phế cầu, viêm hô hấp…
Bên cạnh đó, các phụ huynh cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho cả gia đình trẻ em như rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; cần ăn uống đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh, ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người có triệu chứng mắc bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ, trẻ nhỏ mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị.
Để đảm bảo sức khỏe ngày Tết, việc nâng cao ý thức phòng chống bệnh là rất cần thiết. Khi trời lạnh, cha mẹ đưa con ra ngoài đi chơi Tết thì cần phải chú ý giữ ấm đầu, cổ, chân cho trẻ…để đề phòng cảm lạnh.
Trong bữa ăn ngày Tết nên chế biến thực phẩm tươi, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh, hạn chế đồ đông lạnh; cũng hạn chế cho trẻ, người bị tiểu đường ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, thạch, nước ngọt để tránh đầy bụng, khó tiêu, tăng đường huyết.
Mọi người cần ngủ đủ giấc, duy trì nề nếp sinh hoạt khoa học, duy trì tốt chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi không có sự xáo trộn. Người bệnh hen, suyễn nên hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, tránh xa khói bụi, nhang đèn.
Những loại thuốc cần có trong tủ thuốc dịp Tết
Tết là dịp vui xuân, tụ họp gia đình, nghỉ ngơi, nên một số dịch vụ về sức khỏe, phòng khám tư các nhà thuốc nhỏ lẻ thường đóng cửa.
Tuy nhiên, bệnh tật nhiều khi khó tránh khỏi, đặc biệt trong thời gian đón Tết, thời tiết và sinh hoạt thay đổi thất thường khiến các đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi dễ mắc các bệnh về hô hấp (cúm, viêm hô hấp trên…), tiêu hóa (ngộ độc thực phẩm, đầy bụng, khó tiêu…).
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán |
Vì vậy, việc chuẩn bị một tủ thuốc nhỏ trong nhà và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ là điều rất cần thiết. Trong đó, thuốc hạ sốt nên được để sẵn trong nhà, các loại hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen tùy vào lựa chọn và thói quen sử dụng thuốc của gia đình.
Khi mua thuốc hạ sốt, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chuẩn bị các thuốc theo hàm lượng. Ví dụ nhà có trẻ nhỏ nên mua loại thuốc phù hợp với cân nặng của bé như 80mg, 150mg, 250mg, còn người lớn mua loại 500mg.
Thời tiết lạnh, trẻ đi lại nhiều nên dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp như chảy nước mũi, ho…Vậy nên cha mẹ cần chuẩn bị sẵn thuốc ho mà trẻ có thể dùng ngay, không cần đi tìm mua. Ngoài ra, phụ huynh có thể mua thuốc ho thảo dược, mua các loại xịt mũi, nước muối sinh lý để làm sạch cơ quan hô hấp, giúp phòng các bệnh lý khác về hô hấp.
Các gia đình cần chuẩn bị nhiều gói oresol trong tủ thuốc gia đình để đề phòng trong nhà có nhiều người cùng bị tiêu chảy, sốt, nôn. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ tránh pha đặc hay loãng làm mất tác dụng của thuốc. Gia đình nên chọn mua loại oresol gói chứ không mua loại oresol đóng chai như chai nước ngọt.
Các loại men vi sinh, thuốc dạ dày, thuốc giảm đầy hơi, khó tiêu rất quan trọng phòng rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết do việc ăn uống không đúng giờ, ăn nhiều chất đạm và dầu mỡ, giàu tinh bột, chất béo và thiếu chất xơ, rượu bia nhiều.
Người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen, bệnh dạ dày…cần chuẩn bị sẵn thuốc cho mình trong dịp Tết để tránh thiếu thuốc.
Khi mua thuốc, người dân nên nhờ tư vấn của thầy thuốc, ghi rõ hướng dẫn cách sử dụng. Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài hoặc có biểu hiện nặng hơn, cần đi khám tại các cơ sở y tế.