Dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào cuối năm
Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 270.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 108 ca tử vong.
So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 87 trường hợp. Bộ Y tế cảnh báo, theo chu kỳ 5 năm thì trong tháng 11 và 12 tới có thể xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn tại nhiều tỉnh thành.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai |
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm đi kèm với sốt cao (40°C) hoặc nhiều triệu chứng khác như: Đau đầu, Đau hốc mắt, Buồn nôn/nôn mửa, Nổi hạch, Đau cơ, xương hoặc khớp, Phát ban.
Chính vì vậy, việc chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng sẽ giúp giảm nguy cơ các triệu chứng bệnh trở nặng ở cả người lớn và trẻ em.
Hiện nay một số bệnh dịch khác vẫn còn (như COVID-19, cúm, thủy đậu...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Nếu như vậy có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.
Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết gia tăng, cùng đó là nhiều dịch bệnh khác, PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1 để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên.
Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.