Dịch sốt xuất huyết gia tăng: Chính quyền cần quyết liệt, người dân không chủ quan
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Định Công |
Sốt xuất huyết lưu hành tại 30/30 quận, huyện, thị xã
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 7.614 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Riêng huyện Thạch Thất và quận Hoàng Mai là hai địa bàn có số ca mắc đứng đầu của thành phố.
Tại quận Hoàng Mai, ca bệnh đầu tiên ghi nhận vào ngày 19/5. Đến nay, số mắc trên địa bàn bắt đầu tăng; Trung bình ghi nhận 22 ca/tuần. Riêng tuần cuối tháng 8/2023 ghi nhận số mắc cao nhất là 37 ca. Trong đó, tình hình sốt xuất huyết tại phường Định Công có diễn biến phức tạp, số mắc tăng nhanh trong các tuần gần đây.
Đến nay, phường Định Công đã có 38/42 tổ dân phố ghi nhận ca bệnh; 16/42 tổ dân phố xuất hiện ổ dịch. Tính từ đầu năm đến hết ngày 6/9, toàn phường ghi nhận 270 ca mắc, trong đó có 22 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động ở tổ 14 và 19.
Đại diện phường Định Công cho biết, thời gian qua, các tổ xung kích thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các địa bàn có ổ dịch. Mỗi tổ dân phố có 2-3 tổ xung kích, đội giám sát nhưng do dân cư đông, đa dạng về thành phần nên công tác phòng, chống dịch còn gặp khó khăn.
Người dân hãy diệt bọ gậy tại nơi mình sinh sống để phòng bệnh sốt xuất huyết |
Không chỉ ở các quận nội thành, dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp tại nhiều huyện ngoại thành, trong đó có Ba Vì (Hà Nội). Theo báo cáo của ngành Y tế huyện Ba Vì, trong thời gian qua, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đã diễn biến rất phức tạp. Trong đó, có 29/31 xã, thị trấn đã có ca mắc sốt xuất huyết, với 222 trường hợp, tăng 7,4 lần so với năm 2022.
Một số địa phương có nhiều ca mắc là xã Vạn Thắng, Vật Lại, Tản Hồng, Ba Trại, Phú Châu. Hiện trên địa bàn huyện có 5 ổ dịch đang hoạt động ở xã Ba Trại, Phú Cường, Vật Lại.
Bên cạnh đó, các dịch bệnh khác trên địa bàn như COVID-19, thủy đậu, uốn ván, liên cầu lợn, quai bị, sốt phát ban… cũng đã xuất hiện. Để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, huyện Ba Vì đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, ngành Y tế huyện đã tổ chức 4 lớp hướng dẫn giám sát phòng chống dịch bệnh, lấy 3 mẫu xét nghiệm Vi rút Dengue, 31 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, xác định việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, UBND huyện Ba Vì đã tích cực đẩy mạnh các hình thức, phương pháp cụ thể. Trong đó phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để Nhân dân hiểu rõ về sự nguy hiểm, nâng cao ý thức phòng bệnh dịch bệnh sốt xuất huyết.
Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát trong tuần qua, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Ngoài số ca mắc tăng nhanh, Hà Nội còn nhiều ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát dai dẳng do chưa xử lý dập dịch tốt ngay từ đầu; Người dân vẫn còn chủ quan, lơ là.
Dự báo, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới, nếu không có những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, kiểm soát thì dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát rất mạnh.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp.
Đồng thời, rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lan rộng. Đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.
Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết bùng phát |
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường định kỳ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Các đơn vị thi công các dự án trên địa bàn các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên phun hóa chất phòng chống muỗi tại khu vực đông dân cư sinh sống và nơi công cộng.
Trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động của Tổ xung kích, Tổ giám sát phòng chống sốt xuất huyết. Thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống dịch.
Đặc biệt, thời điểm học sinh quay trở lại trường học, yêu cầu các trường học trên địa bàn huyện cần làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn bán trú. Các ban, ngành của thành phố cần chủ động trong giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bánh Trung thu sắp tới.
Dự báo dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" do Bộ Y tế vừa ban hành được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh. Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có khoảng 100 trẻ nhập viện, trong đó nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo và may mắn đã được điều trị kịp thời. Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương. |