Định hướng nghề nghiệp - chủ động tương lai
Tư vấn lựa chọn môn học lớp 10 gắn với định hướng nghề nghiệp Gần 1.000 học sinh lớp 9 ở Thủ đô tham gia định hướng nghề Tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh chọn đúng nghề, sáng tương lai |
Chú trọng giáo dục nghề nghiệp
Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định mục tiêu chung của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là “Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế”.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT |
Theo đó, công tác phân luồng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực cá nhân, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh riêng.
Thực tế, theo chương trình hiện hành, hướng nghiệp được bố trí phân bổ đều trong toàn bộ chương trình học, tuy nhiên thời lượng chỉ chiếm 1 tiết/tháng.
Tuy nhiên, trong các kỳ tuyển sinh năm đại học, cao đẳng, còn có tình trạng thí sinh đăng ký đến gần 100 nguyện vọng đã phần nào phản ánh rõ công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh nhìn chung chưa thật sự hiệu quả...
Trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, tiếp xúc với học sinh, nhiều chuyên gia tư vấn nhận thấy tình trạng học sinh cuối cấp rơi vào thế bị động trong chọn ngành nghề dẫn đến việc chọn ngành không phù hợp vẫn còn nhiều.
Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, công tác hướng nghiệp càng chất lượng, việc phân luồng sẽ càng hiệu quả hơn.
Thống kê của trung tâm năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại chỉ liên quan đến ngành đào tạo là 25%, thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo là 19%.
Hiểu rõ để đi đúng
Tình trạng chưa quan tâm đúng mức đến việc định hướng sớm nghề nghiệp còn khá phổ biến, dẫn đến nhiều hệ lụy. Không ít trường hợp người học phải bỏ ngang giữa chừng; hoặc chuyển ngành vì vào học một thời gian mới vỡ lẽ ra chính mình không phù hợp, hay chọn sai ngành...
Chị Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1987, ở quận Hà Đông, Hà Nội, hiện tại làm gia sư tiếng Anh tại các trung tâm dạy ngoại ngữ trên địa bàn thành phố. Trước đó, chị tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ nguyên nhân tại sao lại không làm việc đúng ngành nghề được đào tạo sau khi ra trường, chị Bình cho biết, do công việc ở các doanh nghiệp gò bó, thu nhập thấp không đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Chương trình tư vấn, hướng nghiệp do báo Tuổi trẻ Thủ đô, Đại học Thành Đô và các đơn vị phối hợp tổ chức diễn ra vào sáng 9/3 tại trường THPT Thường Tín |
Để đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại, chị Bình đã phải trải qua nhiều khóa học bổ sung sau này về nghiệp vụ sư phạm, các khóa học nâng cao tiếng Anh.
“Lựa chọn một công việc mới, tôi phải cố gắng hơn nhiều lần để tự học, tự bù đắp cho mình những kiến thức thiếu hụt, mất nhiều công sức để làm quen, để tiếp cận một lĩnh vực mới”, chị Bình chia sẻ.
Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, có tới 2/3 thí sinh đăng ký lựa chọn học các khối ngành kinh tế, trong khi đó nhân lực khối ngành xã hội và kỹ thuật chất lượng cao lại đang thiếu hụt.
Sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn nhân lực như hiện nay một phần là do định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT còn hạn chế, yếu kém dẫn đến việc các em học sinh không được định hướng tốt nhất cho tương lai của mình.
Thực tế, thi vào những ngành thuộc khối xã hội không dễ đỗ, đặc biệt là để đỗ điểm cao, bởi kiến thức mảng này rộng, khó “học tủ” và khó tránh được yếu tố may rủi.
Ngành khoa học xã hội bên cạnh một trí nhớ tốt cũng cần tính khái quát cao, tư duy logic và sức sáng tạo. Để thành công trong quá trình học và làm việc, sinh viên xã hội thật sự phải cố gắng, nỗ lực nghiêm túc và học hỏi không ngừng.
Nhu cầu nhân lực của xã hội đối với một ngành nghề thường chỉ có tính nhất thời và thay đổi tùy theo sự biến động không ngừng của nền kinh tế-xã hội, ngành đang hot, đang khát nhân lực ở thời điểm này nhưng dăm năm sau đó có thể sẽ không còn bức thiết nữa.
Ông Bùi Văn Linh cho rằng, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt.
Xuất phát từ thực tế đó, trước mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành Đô và các đơn vị tổ chức chuỗi chương trình Đối thoại, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT.
Điểm mới của chuỗi hoạt động này là công tác tư vấn, định hướng nghề cho học sinh sẽ tập trung vào các nhóm ngành cụ thể như Khoa học xã hội, Công nghệ, Kinh tế - Luật… giúp học sinh hiểu rõ về quy chế tuyển sinh, thị trường lao động, nhu cầu việc làm để sớm có định hướng cho tương lai.
Vào 9h sáng 9/3/2024 tại Trường THPT Thường Tín, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội, chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội” sẽ diễn ra với sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, doanh nhân và hơn 1.000 học sinh THPT. Tại chương trình, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học sẽ trực tiếp cung cấp thông tin mới nhất về những quy định, các mốc thời gian tuyển sinh trong năm 2024, cũng như những lưu ý quan trọng khi đăng ký tuyển sinh. Bên cạnh đó, chuyên gia từ các trường đại học sẽ trả lời câu hỏi của học sinh về định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường cùng nhiều lưu ý quan trọng khác khi đăng ký xét tuyển. Đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân cũng sẽ chia sẻ, truyền cảm hứng động lực thúc đẩy các em học sinh theo đuổi ước mơ; qua đó tạo môi trường tư vấn chất lượng và đa dạng để giúp các em học sinh THPT hiểu rõ hơn về các lựa chọn học tập và nghề nghiệp phù hợp. Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024 thu hút sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Các cơ sở giáo dục sẽ giới thiệu đến các em học sinh phương án tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển, mức học phí cũng như giới thiệu các ngành nghề đào tạo của nhà trường. |