Đón xuân 2018 với tập cuối cuốn "Sài Gòn- Chuyện đời của phố"
![]() |
Vào mỗi dịp giáp Tết âm lịch, nhà báo Phạm Công Luận lại giới thiệu sách mới của anh. Lần này, anh ra mắt tập V - cũng là tập cuối - bộ sách “Sài Gòn chuyện đời của phố”, chốt lại chặng đường 5 năm từ 2014 thực hiện một bộ sách về Sài Gòn xưa. Sách đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung với nhiều tư liệu mới mẻ, phỏng vấn trực tiếp người trong cuộc và sưu tầm công phu từ các tài liệu xưa. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ và công ty Sách Phương Nam xuất bản.
“Sài Gòn chuyện đời của phố V” vẫn tiếp nối những điều tạo nên giá trị bộ sách lâu nay. Kể chuyện về đời sống Sài Gòn xưa, tác giả lùi khá sâu về quá khứ, kể về những câu chuyện của thập niên 1930 khi chế độ thuộc địa đang ổn định nhưng cuộc sống đang chịu những khó khăn từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Trong hoàn cảnh đầy thử thách đó, người Sài Gòn – Gia định vẫn kiên tâm làm ăn buôn bán, vượt qua thử thách và có được những điểm sáng. Đó là câu chuyện hệ thống nhà hàng điểm tâm Đức Thành Hưng, hoạt động từ thập niên 1930 tại Sài Gòn – Gia Định và Lái Thiêu, phát triển theo kiểu nhượng quyền khởi đầu từ quyết tâm của một người phụ nữ nghèo khổ ít học ở Gia Định; là câu chuyện hai nhà in có tiếng ở Sài Gòn thập niên 1930, trong đó có vị nữ chủ nhân không biết chữ; là câu chuyện một gia đình một viên chức ở quận 4 vượt qua những năm khủng hoảng.
![]() |
Tác giả tiếp tục viết những câu chuyện về đất và người Sài Gòn: Bài “Cha con Franchini và lãnh địa Continental” viết về vị chủ nhân một thời của khách sạn 138 tuổi, cổ nhất thành phố là ông Philippe Franchini, người kế thừa cha làm chủ khách sạn Continental và nhờ đó chứng kiến bao nhiêu biến động của Sài Gòn từ năm 1965 đến 1975; về câu chuyện kinh doanh trên đất Sài Gòn xưa: về công ty mỹ nghệ Mê Linh, một công ty sơn mài mỹ nghệ sinh sau đẻ muộn nhưng được sánh với công ty mỹ nghệ khét tiếng Thành Lễ ở miền Nam. Về văn hóa nghệ thuật, tác giả đưa ra những tư liệu mới về hoạt động nghệ thuật và tính cách của ông Nguyễn Ngọc Cương, thân phụ của nghệ sĩ nhân dân Kim Cương, người đã đưa hoạt động sân khấu cải lương vào bài bản và cũng là người khởi xướng xây dựng trường Âm nhạc và Kịch nghệ tại Nam Kỳ từ năm 1944; về hãng dĩa Lê Văn Tài, tiền thân của hãng Dĩa Hát Việt Nam, nơi tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ Minh Vương và soạn giả Viễn Châu.
Trong sách còn có những bài viết lý thú về giới mua bán, sưu tầm đồ cổ ở Sài Gòn trước 1975, từ một góc nhìn khác với những câu chuyện được kể từ nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển. Tác giả luôn có cái nhìn thú vị khi kể chuyện về tính cách người xưa. Đó là câu chuyện ăn uống thưởng xuân trong Tết xưa phương Nam với những dị biệt đối với những người từ phương xa đến, trong đó có sự bất mãn đáng yêu của nhà thơ núi Tản sông Đà dẫn đến phản ứng của người con ưu tú đất “ngũ phụng tề phi”; là câu chuyện cuộc sống thăng trầm của những người Sài Gòn cố cựu trong một xóm nhỏ vùng Chợ Quán; là tính cách mạnh mẽ của một “huyền thoại nghề may âu phục” biến một chú bé người Việt sinh ở vùng quê Svay Rieng đất Campuchia trở thành người may cho Hoàng gia xứ Chùa Tháp và chính khách Sài Gòn trước 1975 và sau này... Nhiều bài viết có cảm xúc, mênh mang những hoài niệm về ngày xưa như “Đêm xuân Chợ Lớn”, “Trường Đình cây đa”, “Hương vị ngã ba”,...
Phần cuối sách, tác giả mang đến một tài liệu có giá trị với những ai yêu thích hội họa. Đó là phần phụ lục “Tác phẩm hội họa trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975”. Trong hơn mười năm tìm kiếm tài liệu về Sài Gòn xưa, tác giả bắt gặp nhiều tác phẩm hội họa của các họa sĩ một thời mà nhiều người đã ngưng sáng tác từ lâu. Với tình cảm “thương hoa tiếc ngọc”, tác giả đưa hơn 100 bức tranh in trên nhiều sách báo xưa cùng với tiểu sử vắn tắt của các tác giả vào sách, mục đích để chia sẻ cho độc giả thưởng ngoạn.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đại nhạc hội “Rực Rỡ Hà Nam” chiêu đãi du khách màn pháo hoa tầm cao hoành tráng

Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Mong có những tác phẩm thiết thực cho Hà Nội

Tạp chí Người Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Tri ân sâu sắc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cơ hội cho hoạ sĩ trẻ phát huy tài năng, sáng tạo

Hành trình giao hưởng qua ba miền ký ức và văn hóa

Cuốn sách khắc họa tâm hồn cao cả của Bác Hồ

Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải: Mốc son 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hội đồng Anh chính thức khởi động chương trình tài trợ kết nối thông qua Văn hóa năm 2025
