Độc đáo nét nghệ thuật công cộng Phúc Tân - Sông Hồng
![]() |
Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân được UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng từ mùa hè năm 2019, hoàn tất trong tháng 2/2020. Một đặc điểm hết sức đặc trưng của khu vực là, tuy có vị trí ven sông Hồng lịch sử nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như những khu vực chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như "mặt tiền thành phố" mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
![]() |
Tác giả tác phẩm “Thuyền” của họa sĩ Vũ Xuân Đông |
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Năm 1995, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bức tường bảo vệ bờ sông Hồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, bức tường này tiếp tục bị xuống cấp. Với mong muốn người dân tham gia cùng chính quyền trong việc giữ gìn nơi ở, cũng như cải thiện môi trường sống, trong nhiều năm nghiên cứu và bàn bạc, quận Hoàn Kiếm quyết định thí điểm chọn 1 đoạn ở phường Phúc Tân để thực hiện dự án này”.
Ý tưởng cải tạo bức tường rào phường Phúc Tân của UBND quận Hoàn Kiếm đã được giao cho nhóm họa sĩ Nguyễn Thế Sơn thực hiện. Anh cùng 15 họa sĩ trong và ngoài nước đã lên ý tưởng chọn lựa đề tài và chất liệu.
![]() |
Những chiếc thùng phuy được các nghệ sĩ "thổi hồn" |
Nằm trong ngõ cụt Phúc Tân ven sông Hồng là bức tường dài gần 1km, cao gần 2m, nối chân cầu Long Biên và Chương Dương. Tường được xây từ 30 năm trước để chặn lũ sông Hồng và ngăn người dân sinh sống ven sông không lấn chiếm đất đê. Khu vực này vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hóa đó, nhóm nghệ sĩ có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây.
Sau hai tháng, 16 tác phẩm đã ra mắt công chúng. Những tác phẩm được trưng bày nơi đây mang hơi thở của thời đại với chất liệu rất đặc trưng của việc tái chế, làm mới trên chất liệu cũ như: Chai lọ, thùng phuy, gương vỡ hay những chiếc bu gà, vành xe cũ…
![]() |
Tác phẩm “Bức tường danh vọng” của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế |
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - Sông Hồng bày tỏ: “Tại dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, với tư cách là giám tuyển, tôi đã cố gắng mời các họa sĩ đang thực hành trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại tham gia. Các tác phẩm nghệ thuật ở đây, phần lớn là tác phẩm sắp đặt, có khả năng tương tác với cả ngữ cảnh không gian nơi đây. Nó như một bảo tàng mở để ai cũng có thể xem, chiêm ngưỡng”.
Đứng trước bài toán vừa cải tạo khu đất nhiều rác thải, vừa phải làm mới bức tường ngăn, nhóm họa sĩ đã cùng nhau bàn bạc, đưa ra ý tưởng và góp ý cho nhau. Những chất liệu các anh lựa chọn đều là đồ tái chế, lấy cảm hứng từ chính địa thế đặc trưng nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến, dưới thuyền, cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ.
![]() |
Những bục ghế để người dân có thể ngồi ngắm sông Hồng |
Họa sĩ Vũ Xuân Đông, tác giả tác phẩm “Thuyền” tâm sự: “Hình tượng con thuyền gắn với đời sống của người dân Việt đã từ lâu đời. Con thuyền cũng gắn chặt với người dân ở Phúc Tân và bến Chương Dương. Từ câu chuyện này, tôi đã đưa hình ảnh con thuyền để người dân nhớ và trân trọng giá trị lịch sử. Tác phẩm này được hình thành từ những chiếc chai nhựa bỏ đi. Đây cũng là thông điệp để người dân có ý thức trong việc gìn giữ môi trường, bảo vệ không gian nơi mình đang sinh sống”.
Họa sĩ Lê Đăng Ninh, tác giả tác phẩm “Nhà nổi” cho hay: “Tôi tái chế những chiếc thùng phuy, vẽ lại, cắt khắc, đục thủng lại cảnh sinh hoạt của người dân”.
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, tác giả tác phẩm “Bức tường danh vọng” bày tỏ: “Tác phẩm của tôi có rất nhiều cánh cổng, cánh cửa. Thủ pháp có phần nhiều về điêu khắc. Tôi tạo ra những khuôn in vào vữa rất sâu vào trong bức tường ấy. Tôi chú ý đến hiện tượng một loạt ghế của người dân nơi đây quay ngược lại bờ sông. Khi ngồi đó, họ không nhìn thấy cây cầu, không nhìn thấy dòng sông bởi hướng đó rất bẩn. Chính vì thế, tôi muốn tác phẩm của mình thay đổi hướng nhìn với những bục ghế tôi đặt ngay bên dưới tác phẩm của mình”.
Sau gần hai tháng miệt mài sáng tạo, nhóm họa sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam và hai họa sĩ nước ngoài đã vẽ nên một không gian nghệ thuật với những tác phẩm không theo bất cứ khuôn mẫu nào. Mỗi một tác phẩm mang đến trưng bày nơi đây đều là tâm huyết, thể hiện lòng đam mê sáng tạo của các nghệ sĩ.
Chị Thanh Tân, người dân sống ở ngõ 183 Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, trong ký ức của chị, nơi đây trước là đồng bãi, rộng rãi và thưa thớt. Qua thời gian, bãi bờ xanh mướt ngô khoai ấy không còn như xưa. Nhiều hộ dân đã tự ý san lấp, lấn chiếm bờ và lòng sông, hình thành những khu vườn kiên cố…
Dù rằng chính quyền đã nhiều lần ra quân xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, lấn chiếm tại khu vực này nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn là một thách thức. Đây cũng chính là “bài toán” khó mà lãnh đạo quận Hoàn Kiếm mong muốn các nghệ sĩ cùng chung sức tìm lời giải.
Những người thực hiện hy vọng, dự án sẽ giúp cải thiện môi trường sống cho người dân ở khu vực, để họ có ý thức gìn giữ môi trường, cảnh quan tốt hơn, đồng thời những tác phẩm nghệ thuật mà các họa sĩ xây dựng sẽ thức tỉnh, đem tới sức sống mới cho người dân vùng ven sông Hồng. Đây cũng chính là ý nghĩa lớn và cao đẹp nhất mà dự án của UBND quận Hoàn Kiếm vươn đến.
Đứng từ bờ sông Phúc Tân nhìn ra là một khoảng không xanh mênh mông, mát màu cây cỏ, là nơi có tiềm năng lớn cho cư dân Hà Nội tiếp cận "bộ phổi khổng lồ" của mình sau một ngày làm việc sáng tạo. Đây có thể ví như là một Central Park khổng lồ (to hơn của New York rất nhiều lần) và vườn treo của Singapore tại Gilman Barack cộng lại cạnh phố cổ Hà Nội.
Nếu được đầu tư hợp lý, chắc chắn khu vực bãi sông Hồng sẽ trở thành một địa điểm văn hoá, du lịch và hoạt động ngoài trời nổi tiếng của Hà Nội trong tương lai gần.
Bài liên quan
Khánh thành nhiều công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm
Bài 5: Khẳng định giá trị người Hà Nội trong giai đoạn mới
Triển lãm "Đối cảnh Cự Đà" của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng
Mở rộng nhiều tuyến đường kết nối khu vực ngoài đê sông Hồng với trung tâm Hà Nội
Thêm yêu dải đất hình chữ S qua "Câu chuyện dòng sông"
Làng gốm Bát Tràng: Điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nghệ nhân Hồ Thị Thanh Hương và chiếc vương miện Hoa hậu độc đáo

Khám phá, mơ mộng, sáng tạo với "Tuần lễ Sách tranh thiếu nhi UK"

Thêm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội chùa Tây Phương

Thành lập Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội

Nhà thiết kế Bích Liên tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ qua áo dài truyền thống

Quảng Nam tái hiện lịch sử qua triển lãm tài liệu lưu trữ

Sẵn sàng cho Lễ hội Tiên La 2025

Lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Nâng cao chất lượng và vị thế của truyền hình Việt Nam trong thời chuyển đổi số
