Đối phó các ổ dịch bệnh mùa hè
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong sáu tháng đầu năm 2017, cả nước có hơn 45 nghìn người mắc SXH, trong đó có 14 người chết. So với cùng kỳ năm trước, số người mắc tăng 0,3%; số người chết tăng hai người. Số người mắc chủ yếu tập trung tại khu vực miền nam, miền trung và TP Hà Nội.
Hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố có số mắc SXH tích lũy/100 nghìn dân cao là: Ðà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Quảng Nam, Bình Thuận, Sóc Trăng và Ðồng Nai. Ðáng lo ngại, tại TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 4.147 người mắc SXH (tăng 300% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có một người chết.
Phòng chống dịch SXH tại Hà Nội
Cùng với dịch SXH, trong nửa năm qua, cả nước cũng ghi nhận gần 400 người mắc bệnh do viêm não virus, trong đó có 10 ca tử vong. Đối với viêm não Nhật Bản, ghi nhận 62 ca mắc với 1 trường hợp tử vong. 69 người mắc liên cầu heo, 4 ca tử vong, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, bệnh dại cũng cướp đi mạng sống của 35 người và tất cả các trường hợp tử vong đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn.
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Ðắc Phu, nguyên nhân dẫn đến các dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè có xu hướng gia tăng thời gian qua là do thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện để muỗi và véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt còn lạc hậu của người dân... khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch; thành lập 145 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch (trong đó có bảy đoàn của T.Ư và khu vực). Bên cạnh đó, đã có 39 tỉnh, thành phố tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy để phòng, chống dịch bệnh SXH.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, nhất là dịch bệnh SXH tại các địa phương hiện vẫn còn không ít khó khăn. Hà Nội (địa phương có sự lưu hành của muỗi Aedes trong nhiều năm nay), với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa và tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư cao, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng, điều kiện vệ sinh kém, sẽ là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển.
Ðáng lo ngại, còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Nhiều hộ gia đình khi cán bộ y tế đến phun hóa chất diệt muỗi thường cố tình đóng cửa, hay chỉ cho phun hóa chất khu vực ngoài nhà, ở tầng một. Kiểm tra tại các hộ dân cư, khu tập thể, có đến 40% số bể chứa nước là bể xi-măng không có nắp đậy.
Công tác chỉ đạo của chính quyền một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; chưa huy động được người dân tham gia vệ sinh môi trường tại các ngõ, phố, nhất là tại các khu đất trống bỏ hoang.
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè kịp thời, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương cần tập trung, chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch. Tiếp tục kiện toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động; kịp thời thu dung, cách ly, điều trị người bệnh bảo đảm không để lây nhiễm chéo và giảm tải cho các cơ sở điều trị.
Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tập trung tăng tỷ lệ tiêm chủng trong cả nước, loại bỏ vùng lõm về tiêm chủng; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin viêm não; tăng cường khả năng tiếp cận điểm tiêm vắc-xin phòng dại cho người dân, cũng như đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc-xin bảo đảm đầy đủ và kịp thời…