Đối thoại chính sách “Công dân tích cực vì một thế giới không rác thải”
Mô hình “Ngôi nhà xanh” chống rác thải hữu hiệu của trường THCS Nguyễn Trãi Để mỗi học sinh là tuyên truyền viên giúp giảm thiểu rác thải nhựa... |
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cho biết, Việt Nam là một trong năm quốc gia đứng đầu có lượng rác thải nhựa nhiều nhất ra biển. Chỉ tính từ năm 1990 - 2015, lượng tiêu thụ rác thải nhựa đã tăng gấp 10 lần… đây thực sự là những con số đang rất báo động.
Các đại biểu tham quan gian hàng của các em học sinh |
Là hợp phần cuối cùng của chương trình công dân tích cực vì một thế giới không rác thải, hội thảo Đối thoại chính sách diễn ra tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp là dịp để các đại biểu đến từ cơ quan hữu quan, đại diện các sở, ban, ngành, các trường tham gia chương trình cùng thảo luận về thực trạng vấn đề quản lý rác thải tại địa phương và đưa ra những giải pháp về mặt chính sách và các chương trình giáo dục để giải quyết vấn đề này.
Bà Donna McGowan, Giám đốc của Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng đổi mới xã hội về cơ bản là sự kết hợp của các thành phần khác nhau trong xã hội để giải quyết những thách thức liên quan đến con người và hành tinh.
Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 cũng đưa ra lời kêu gọi hành động nhằm xây dựng các mối quan hệ đối tác đa lĩnh vực nhằm giải quyết những thách thức lớn ảnh hưởng đến sự bền vững trong tương lai của hành tinh chúng ta".
Các em học sinh với những ý tưởng bảo vệ môi trường |
Đánh giá cao sự hiệu quả cũng như tính thực tiễn của chương trình công dân tích cực vì một thế giới không rác thải, với mong muốn chương trình sẽ là một mô hình được tiếp tục thực hiện thành công ở nhiều địa bàn, thành phố khác, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp và Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp đã cam kết sẽ cùng ký kết liên ngành để phối hợp thực hiện và hỗ trợ cho các hoạt động của chương trình được tiếp tục nhân rộng không chỉ ở Sa Đéc mà còn trên địa bàn toàn tỉnh nhằm giúp lan tỏa các hoạt động này không chỉ trong trường học mà còn ở trong cộng đồng.
Thầy Lê Ngọc Khái, Hiệu trưởng trường THPT Thủ Đức cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục kết nối và lan tỏa chương trình tới hội cha mẹ học sinh, các trường bạn, các nhà quản lý giáo dục và đặc biệt là đội ngũ giáo viên để thay đổi hành vi chính trong gia đình, tới nhà trường.
Để tiếp tục duy trì và phát triển chương trình, bà Trần Thị Hồng Gấm, đại diện Hội đồng Anh nhấn mạnh: Chương trình mới chỉ là khởi đầu và rất cần được lan tỏa rộng hơn, tới nhiều trường hơn, cũng như việc cần sự kiên trì của các thủ lĩnh để tiếp tục tạo sự thay đổi.