"Đòn bẩy" thúc đẩy hiệu quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội
Sáng nay, khai mạc Kỳ họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội HĐND TP xem xét các nội dung đảm bảo an sinh xã hội Chủ tịch HĐND TP Hà Nội trao Huy hiệu Đảng tại quận Đống Đa |
Chủ động, khẩn trương, rõ người rõ việc
Tại kỳ họp chuyên đề diễn ra trong tháng 11 này, HĐND TP Hà Nội dự kiến xem xét thông qua các nghị quyết quy phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt để triển khai Luật Thủ đô. Trong đó, đáng chú ý là các nghị quyết về quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các ban của HĐND quận, thị xã, TP trực thuộc TP; danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô; quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội; quy định ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội…
HĐND TP cũng sẽ xem xét, ban hành quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội; quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP; quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường, điều chỉnh cục bộ quy hoạch; quy định việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.
Đây là một trong 2 kỳ họp chuyên đề của HĐND TP để xem xét, quyết định các nội dung quy định chi tiết và các cơ chế, chính sách triển khai thi hành Luật Thủ đô, (dự kiến còn 1 kỳ tổ chức từ ngày 12 đến 16/5/2025).
HĐND TP Hà Nội tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định các nội dung quy định chi tiết và các cơ chế, chính sách triển khai thi hành Luật Thủ đô |
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, HĐND TP đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-HĐND để triển khai thi hành Luật Thủ đô. Theo đó, Thường trực HĐND TP triển khai xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đối với các nội dung đề xuất xây dựng nghị quyết của HĐND TP đảm bảo đúng quy định pháp luật, quy chế làm việc của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và chất lượng, tiến độ yêu cầu của việc tổ chức các kỳ họp của HĐND TP.
Trong đó, đối với các nghị quyết quy phạm pháp luật, dự kiến xem xét 20 nội dung tại kỳ họp chuyên để tháng 11/2024; 8 nội dung vào kỳ họp thường lệ tháng 12/2024; 7 nội dung tại kỳ họp chuyên đề tháng 5/2025; có 17 nội dung tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025; 11 nội dung tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2025.
Đối với 7 nội dung nghị quyết còn lại chưa xác định thời gian cụ thể, các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu; trên cơ sở quy định của Luật Thủ đô và pháp luật có liên quan đề xuất nhưng nội dung trong tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm.
Triển khai các nhiệm vụ thi hành Luật Thủ đô, Ban Pháp chế HĐND TP được giao chủ trì xây dựng 2 nội dung, được phân công theo dõi 18 nội dung và tham gia phối hợp 56 nội dung về các Nghị quyết quy phạm pháp luật. Về các nghị quyết cá biệt, Ban chủ trì xây dựng 1 nội dung; được phân công theo dõi 3 nội dung và phối hợp tham gia 9 nội dung.
Trưởng ban Pháp chế Duy Hoàng Dương cho biết, rong triển khai thi hành Luật Thủ đô, Ban nhấn mạnh yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm chủ động trong quá trình triển khai; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của UBND TP; thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện.
Theo Trưởng ban Đô thị Đàm Văn Huân, Ban có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành khối đô thị và các Sở, ngành có nội dung liên quan tổ chức thực hiện, chuẩn hóa nội dung đề xuất xây dựng Nghị quyết. Trong đó, đặc biệt cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai Luật Thủ đô và 2 Quy hoạch (Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) sau khi được phê duyệt.
Chủ trì tham mưu, theo dõi đối với 22 nội dung, trong đó, Nghị quyết quy phạm pháp luật là 19 nội dung; nghị quyết cá biệt là 3 nội dung; Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga cho biết, các nhiệm vụ xây dựng và ban hành các văn bản của HĐND để thi hành Luật Thủ đô đã được Ban xác định phải được rà soát kỹ lưỡng, tránh bỏ sót các nội dung, văn bản, nhiệm vụ. Đồng thời căn cứ vào thời điểm có hiệu lực thi hành của các quy định trong Luật Thủ đô để xây dựng biểu tiến độ cụ thể cho từng nhiệm vụ; xác định rõ tiến độ, mốc thời gian hoàn thành cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên đảm bảo trình HĐND đúng trình tự, quy trình theo quy định.
Luật Thủ đô tăng cường tổ chức bộ máy, nhân sự và thẩm quyền của HĐND TP, HĐND quận, thị xã |
Hướng dẫn chặt chẽ, đồng bộ
Tại Luật Thủ đô năm 2024, việc không tổ chức HĐND cấp phường tại TP Hà Nội đã được luật hóa.
Theo Điều 8 (quy định về Tổ chức chính quyền đô thị), tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội gồm: Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở phường tại TP là UBND.
Ngoài ra, Luật tăng cường tổ chức bộ máy, nhân sự và thẩm quyền của HĐND TP, HĐND quận, thị xã,TP thuộc TP (Điều 9, Điều 11). HĐND TP được bầu 125 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu HĐND; Thường trực HĐND TP hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch và các Ủy viên, bảo đảm không quá 11 người; được thành lập không quá 6 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể (tăng 2 Ban so với quy định pháp luật hiện hành).
HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc TP có 2 Phó Chủ tịch HĐND; tổng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không quá 9 người; được thành lập không quá 3 Ban tham mưu các lĩnh vực cụ thể (tăng 1 Ban so với quy định pháp luật hiện hành).
Các quy định trên nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong bối cảnh không tổ chức HĐND phường. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách không chỉ tăng cường chất lượng hoạt động của HĐND các cấp mà còn giúp phát huy các cơ chế dân chủ trực tiếp đảm bảo tốt hơn nữa quyền và lợi ích của cử tri nói riêng, đảm bảo quyền làm chủ của người dân nói chung.
Phó Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thủy cho rằng, khi không còn HĐND phường, chức năng giám sát của HĐND phường do HĐND quận thực hiện. Việc tăng lượng cán bộ chuyên trách (thêm 1 phó chủ tịch và 2 ủy viên các ban của HĐND) là phù hợp. Bà Thuỷ cho biết, Thường trực HĐND quận mong muốn sớm có hướng dẫn nội dung này vì nhu cầu công việc hiện nay rất lớn.
Cũng quan tâm tới việc tăng số lượng cán bộ chuyên trách, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, mong muốn kịp thời có hướng dẫn thực hiện bố trí cán bộ, biên chế, vị trí việc làm, cũng như định hướng nhân sự tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ tới.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành cho rằng, TP cần sớm ban hành kế hoạch và hướng dẫn cho các quận, thị xã về mô hình tổ chức; rà soát từng lĩnh vực để xác định các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao. Các hướng dẫn triển khai kế hoạch cần phải chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm tính khả thi cao, nhất là các chính sách liên quan đến công tác cán bộ, phát triển đô thị, đầu tư công, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Việc HĐND TP Hà Nội tới đây ban hành các Nghị quyết quy phạm pháp luật sẽ là cơ sở để triển khai các kế hoạch và hướng dẫn tổ chức thực hiện, sớm đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.