Đồng hành cùng ngành giáo dục vùng cao dựng lớp, xây trường, gieo con chữ trên non
Nỗ lực phục hồi ngành giáo dục sau thiên tai
Tròn hai tháng sau khi bão số 3 qua đi, những dấu vết tàn phá của thiên tai vẫn còn vẹn nguyên trên những cung đường đèo quanh co vào các thôn, bản vùng cao của tỉnh Lào Cai. Trong số cơ sở hạ tầng bị vùi lấp, hư hỏng nghiêm trọng có không ít cơ sở của ngành giáo dục.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Bảo Yên - huyện "cửa ngõ" quan trọng, nằm giữa hai con sông Hồng và sông Chảy từ bao đời nay đã bồi đắp nên những bãi bờ phù sa và màu mỡ lại là một trong những huyện phải chịu những thiệt hại rất lớn cả về vật chất và con người.
Thiên tai đã khiến huyện mất đi 62 nhân khẩu, 30 người bị thương và 30 người vẫn còn đang mất tích; hơn 4.100 ngôi nhà bị sập đổ và ảnh hưởng; hàng trăm công trình hạ tầng bị tàn phá, ước thiệt hại gần 650 tỷ đồng. Ngành giáo dục của huyện cũng không nằm ngoài ảnh hưởng khi nhiều ngôi trường bị hư hỏng, đẩy hàng ngàn học sinh vào cảnh “trường, lớp tạm”.
Ông Phạm Hồ Bắc, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Agribank trao an sinh xã hội tại tỉnh Lào Cai |
Phó phòng giáo dục và đào tạo huyện Bảo Yên, bà Đoàn Thị Hoài An cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua huyện mất 26 em học sinh, 8 em bị thương, 5 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 5 em mồ côi cha hoặc mẹ, tổng số học sinh bị ảnh hưởng là hơn 5.000 - một con số không nhỏ. Trong huyện, 18 điểm trường bị ảnh hưởng do bão, 5 trường bị ngập lụt, 11 trường nguy cơ bị sạt lở và 2 trường phải di dời. Phòng giáo dục của huyện dù rất cố gắng hỗ trợ các trường để sớm ổn định công tác dạy và học nhưng số lượng cơ sở giáo dục bị thiệt hại lớn nên vẫn chưa thể khắc phục.
Chẳng hạn như Trường Tiểu học và THCS Việt Tiến tại xã Việt Tiến, do nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng nhất của huyện, chịu ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, taluy dương sau trường bị sạt lở, nhiều vết trồi sụt xuất hiện khiến quả đồi với hàng nghìn mét khối đất có thể đổ ập xuống đe dọa tính mạng của giáo viên và học sinh bất cứ lúc nào. Hiện tại, theo thầy hiệu trưởng Hà Quang Trung “nhà trường hiện không thể tổ chức dạy học tại điểm trường, các em học sinh đang phải học tạm tại nhà văn hóa thôn Việt Hải, việc đưa trường lớp hoạt động ổn định trở lại lúc này vô cùng khó khăn”.
Nhiều điểm trường khác tuy không phải di chuyển và học tạm nhưng các trường như PTDT bán trú THCS Nậm Mòn (xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà); Trường Mầm non và Tiểu học Mường Lum, Trường Tiểu học La Pan Tẩn (xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương)… chưa có phòng học chức năng, nhiều phòng học bong tróc, cũ nát đặc biệt sau cơn bão số 3 vừa rồi, các điều kiện học tập cho các em học sinh không đảm bảo theo đúng quy chuẩn.
Nhiều năm đồng hành cùng ngành giáo dục các địa phương trong cả nước Nắm bắt được tình hình đó, tromg chương trình trao an sinh xã hội, đồng hành cùng ngành giáo dục của các tỉnh vùng cao lần này, cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank tiếp tục trích 1 ngày tiền lương góp vào quỹ an sinh xã hội của Ngân hàng để chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục tỉnh.
Số tiền 4 tỷ đồng được hơn 4 vạn cán bộ, người lao động Agribank quyên góp đã đến với thầy và trò các điểm trường trên vào những ngày đầu tháng 11/2024 để kịp sửa chữa, xây mới các dãy phòng học và công trình phụ trợ, góp phần cùng chính quyền các cấp và nhà trường sớm khắc phục tình trạng “trường tạm, lớp tạm”. Agribank mong muốn sau khi các công trình hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, đồng bộ về hạ tầng, bền vững về chất lượng, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Xây dựng nhà ăn bán trú cho học sinh nghèo
Nằm biệt lập trên núi cao, Trường Tiểu học và THCS Tà Xi Láng nằm tại thôn Xá Nhù, Xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có 463 học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 9, 100% học sinh nhà trường là người dân tộc H’mông. Do đường xá xa xôi, nhiều học sinh nhà cách trường hàng chục km nên trường có số lượng học sinh nội trú lên tới 368 em.
Cùng với trường Tiểu học và THCS Tà Xi Láng, năm học 2023 - 2024, Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng tại bản Có Thái, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có 21 lớp, với 886 học sinh; trường có 99,4% học sinh là dân tộc thiểu số; nhà trường cũng có tới gần 60% học sinh thuộc diện hộ nghèo.
Agribank trao kinh phí xây dựng bếp ăn cho Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng |
Nhiều năm qua, phần lớn học sinh Tiểu học và THCS Tà Xi Láng và PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng đều sống trong điều kiện kinh tế thiếu thốn và là những đối tượng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện để có thể cắp sách tới trường.
Ngay khi nắm được tình hình khó khăn của các trường, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, vì cộng đồng, Agribank đã triển khai chương trình trao an sinh xã hội tại Trạm Tấu và Mù Cang Chải - các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái. Trong đợt trao tặng, Agribank tập trung tài trợ nguồn kinh phí để các trường xây dựng những bếp ăn đạt chuẩn chất lượng, tạo điều kiện cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các em học sinh được tốt hơn.
Thay mặt cán bộ, người lao động Agribank, ông Phạm Hồ Bắc bày tỏ: Agribank vinh dự cùng cấp chính quyền hỗ trợ các em học sinh nghèo khó có thêm nguồn lực duy trì đến trường, vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại, trở thành công dân hữu ích cho gia đình và xã hội, góp phần vào sự nghiệp khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của địa phương.
Nhận món quà từ Agribank, thầy Lê Hải Đăng - Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng xúc động: “Đối với giáo viên vùng núi, chúng tôi chỉ hy vọng rằng những đứa trẻ người dân tộc H’Mông được chúng tôi coi như con sẽ được các cấp ngành và các tổ chức xã hội như Agribank quan tâm nhiều hơn để mai sau lớn lên sẽ có học, vượt lên khó khăn, tạo dựng một tương lai tươi sáng”.
Tại tỉnh Yên Bái dip này Agribank cũng trao 4 tỷ đồng tài trợ đến các điểm trường còn nhiều khó khăn trong công tác dạy và học. Trong thời gian tới, với sứ mệnh “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng”, Agribank sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân, đặc biệt là chú trọng vào nhiệm vụ vun trồng những mầm non tương lai của đất nước. Agribank sẽ tiếp tục góp sức, góp của để dựng lớp, xây trường, đồng hành cùng ngành giáo dục tiếp tục gieo con chữ trên non.