Dự kiến cuối năm 2020 sẽ tiêm thử nghiệm vòng 1 vắc xin ngừa Covid-19 "made in Việt Nam" trên người
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 49.573.632 ca, trong đó có 1.246.955 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 35.205.333 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 90.749 ca và 13.121.344 ca đang điều trị tích cực.
Trong khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Việt Nam đã trải qua 66 ngày không ghi nhận ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng.
Bên cạnh thành công trong việc khống chế dịch lây lan, tỉ lệ điều trị khỏi Covid-19 của Việt Nam cũng rất cao. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết nhờ sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban Điều trị trong thời gian qua, sự nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ đã giúp tạo nên thành công của công tác điều trị ca bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện bằng tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%). Tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; Khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Ảnh minh họa |
Về nghiên cứu, phát triển vắc xin, tại Việt Nam có 4 nhà sản xuất tham gia phát triển vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có 2 sản phẩm có cơ hội thử nghiệm lâm sàng trên người sớm vào cuối năm 2020.
Tại cuộc làm việc mới đây giữa Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), các chuyên gia về thẩm định, thử nghiệm vắc xin, nhà sản xuất thì Học viện Quân y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên người tình nguyện.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện toàn thế giới có 187 công ty, nhóm đang phát triển vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có 38 loại đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người (có 9 sản phẩm đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, tức là trên nhóm lớn người tình nguyện).
Việt Nam đã đăng ký và tham gia nhóm được ưu tiên quyền tiếp cận vắc xin khi vắc xin ngừa Covid-19 có mặt trên thị trường. Riêng với vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam, Bộ Y tế và giới khoa học đang hy vọng có sản phẩm thương mại vào quý IV/2021.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh, hiện nay trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại. Nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam rất cao.
"Để tiếp tục duy trì những thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian tới các Sở Y tế và bệnh viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc để áp dụng và cải tiến các hoạt động phòng, chống dịch, rà soát các nguy cơ để sớm khắc phục ngay. Đồng thời cần xác định rõ các nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu.