Gần 1/3 số người dân tộc thiểu số tảo hôn
(TTTĐ) Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Ủy ban Dân tộc và Quỹ dân số Liên hợp quốc phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về tảo hôn ở Việt Nam.Tại Hội thảo, Ủy ban Dân tộc công bố kết quả điều tra gần đây cho thấy, gần 1/3 số người dân tộc thiểu số ở nước ta tảo hôn.
Tỷ lệ tảo hôn ở Việt Nam mặc dù đã giảm nhưng vẫn diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số là 26,6%, cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, Xinh Min, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru- Vân Kiều.
Có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 đến 60%. Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, cần truyền thông tới đồng bào dân tộc bằng chính ngôn ngữ của họ vì nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, có dân tộc thiểu số không có ai đi học.
Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc cho rằng, để giải quyết vấn đề tảo hôn trong dân tộc thiểu số cần ưu tiên thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: thực trạng tảo hôn đã tác động nghiêm trọng đến cơ hội học tập, việc làm ổn đinh của trẻ em gái, đồng thời dẫn đến hệ quả trẻ em gái mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần, có thể dẫn đến bạo lực gia đình.
Trên thực tế, tảo hôn đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo thành vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu, làm suy giảm chất lượng dân số cũng như nguồn nhân lực. Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn là việc làm cấp thiết.
Nhận rõ nguyên nhân của nạn tảo hôn là do phong tục tập quán, hạn chế về nhận thức và hiểu biết, thiếu sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, công tác tuyên truyền kém, khó khăn về điều kiện tự nhiên, nghèo đói và mặt trái của cơ chế thị trường, Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Phương Thu