Gặp nữ thủ khoa đầu tiên trong chương trình liên kết của Đại học Công nghệ Auckland
Độc giả hãy cùng Tuổi trẻ Thủ đô gặp gỡ Đặng Thị Thảo My, tân thủ khoa vừa tốt nghiệp vào tháng 9 vừa qua. Thảo My là thủ khoa nữ đầu tiên, cũng là người đạt điểm trung bình tích lũy (GPA) cao nhất của AUT trong tất cả các chương trình liên kết ở nước ngoài. Cô bạn này hiện đang làm việc cho một tập đoàn CNTT của Mỹ.
- Xin chào Thảo My, làm thế nào bạn biết đến chương trình liên kết (CTLK) này và lý do theo học là gì?
- Mình biết đến chương trình thông qua website của ĐH KHTN. Vốn dĩ mình rất sợ tiếng Anh và mình nghĩ nếu 4 năm ĐH đều học tiếng Anh mà mình có thể “sống sót” thì mình sẽ sử dụng tiếng Anh thành thạo. (Cười)
Nhưng lý do tiên quyết khiến mình quyết định học CTLK này là vì mình có thể lựa chọn học ở Việt Nam 2 năm rồi chuyển tiếp qua New Zealand 2 năm hoặc cả 4 năm đều học tại Việt Nam. Không phải xa gia đình, chi phí cũng rẻ hơn nhưng chương trình học và bằng cấp mình nhận được vẫn tương đương với các bạn đi du học New Zealand, được trường AUT cấp và được công nhận quốc tế.
Còn một lý do khác là khi học CTLK mình được học với các thầy cô Việt Nam và cả các thầy New Zealand. Như vậy, mình có thể thừa hưởng những ưu điểm của cả hai nền giáo dục mà không bị sốc văn hóa như khi mới đi du học hay khi quay trở về làm việc tại Việt Nam.
- Trước khi quyết định theo học chương trình này, bạn và gia đình có tìm hiểu về đất nước New Zealand cũng như AUT?
- Lúc trước mình cũng tìm kiếm cơ hội du học New Zealand. Mình rất thích New Zealand vì đây là một quốc gia đa văn hóa nhưng mọi người luôn tôn trọng sự khác biệt của nhau, không phân biệt chủng tộc. Trước khi theo học tất nhiên mình tìm hiểu rất kỹ về trường AUT. Mặc dù không phải là trường lớn nhất ở New Zealand nhưng AUT cũng thuộc top đầu thế giới.
Tất cả 8 trường ĐH của New Zealand đều nằm trong 3% các trường ĐH tốt nhất thế giới theo QS World University Rankings. Sau này, khi mình muốn học lên nữa, với tấm bằng AUT mình có thể đi học ở bất kỳ đâu, không cần chứng minh năng lực tiếng Anh hay chứng minh các môn học có tương đương với các trường trên thế giới hay không.
- Xin bạn chia sẻ về phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo New Zealand?
- Thầy cô New Zealand có phương pháp dạy mang tính gợi mở và đặt vấn đề để sinh viên chủ động tìm tòi nghiên cứu. Đề thi có thể là bất kỳ chủ đề thực tiễn nào. Phương pháp này thực sự rất áp lực nhưng cũng rất vui, giúp tụi mình có đất sáng tạo và rèn luyện tinh thần tự học, làm việc nhóm.
Các thầy cô New Zealand cũng để tụi mình cọ xát nhiều tình huống thực tế. Ví dụ như khi học môn An ninh hệ thống thông tin, với đề bài là giả lập một tình huống bị tấn công trên mạng. Có nhóm thì đóng vai “thủ phạm”, nhóm còn lại thì tìm cách chống đỡ, hóa giải sự tấn công đó. Nhờ đó chương trình học trở nên gần gũi và có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
- Sau 4 năm theo học CTLK, thành quả của bạn là gì?
- Trong quá trình học 4 năm, tất cả các bài tập nhóm, thuyết trình, báo cáo, đồ án của tụi mình đều phải trình bày bằng tiếng Anh rồi nộp cho trường AUT, dù là học với giảng viên Việt Nam hay giảng viên New Zealand. Chính bởi yêu cầu như vậy nên giờ tụi mình khá tự tin về khoản tiếng Anh. Cũng nhờ những kiến thức thực tiễn mà mình liên tục được học hỏi và cập nhật về CNTT, mình đã được nhận vào làm chính thức cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam với mức lương và chế độ đãi ngộ rất tốt.
- Cảm giác của bạn khi là thủ khoa có GPA cao nhất năm 2017 trong tất cả chương trình liên kết của ĐH AUT tại nước ngoài và cũng là nữ thủ khoa đầu tiên như thế nào?
- Mình cũng không nghĩ tới chuyện phải đứng nhất hay gì đó. Lúc mình học thì mình chỉ biết cái gì mình thích, mình đã chọn thì phải hết sức mình chứ không so sánh. Rồi kết quả thành ra như vậy, mình cũng không mong đợi chuyện đó. (Cười)
- Cảm ơn Thảo My và chúc bạn luôn thành công với những lựa chọn của mình!