Gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Giải pháp bảo tồn hay con đường dẫn đến sự tuyệt chủng?
![]() |
(TTTĐ) – Trong khi một số ý kiến ủng hộ quan điểm hợp pháp hóa gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, coi đây không chỉ là một giải pháp phát triển kinh tế mà còn giảm áp lực săn bắt và khai thác các loài này trong tự nhiên, bảo tồn nguồn gen; nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học lên tiếng phản đối gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm bởi việc này sẽ làm gia tăng nhanh chóng nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Ngày 27/7, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức họp báo đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam.
![]() |
Họp báođề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam.
Tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2010, cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng. Nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác như hổ, voi, cá sấu, tê tê và các loài linh trưởng quý hiếm cũng đang bên bờ vực tuyệt chủng. Nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam và Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng này.
Trong bối cảnh đó, những ý kiến ủng hộ quan điểm hợp pháp hóa gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cho rằng gây nuôi thương mại vừa là một giải pháp phát triển kinh tế mà còn giảm áp lực săn bắt và khai thác các loài này trong tự nhiên, giúp duy trì nguồn gen nhằm mục đích bảo tồn.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách hay những cán bộ thực thi pháp luật - những người đi đầu trong công tác đấu tranh chống tội phạm về động vật hoang dã ủng hộ quan điểm của các nhà bảo tồn về sự cần thiết phải nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Những ý kiến này lên án mọi hoạt động thương mại liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cũng như quan ngại sâu sắc về những lý do của những người ủng hộ gây nuôi thương mại các loài này khi đưa lý do kinh tế lên trên tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong tự nhiên.
Những người phản đối cũng đồng thời cho rằng hợp pháp hóa hoạt động gây nuôi thương mại và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm là “con đường dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam và các quốc gia láng giềng.”
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ:“Chúng tôi cho rằng gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm sẽ gia tăng nhanh chóng nguy cơ tuyệt chủng của những loài này. Việc đem tương lai của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp bậc nhất trên thế giới để đánh đổi lấy lợi nhuận của một nhóm người là vô cùng mạo hiểm”.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, công tác bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không thể diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài này. Các khu bảo tồn phải có nguồn kinh phí ổn định để chăm sóc động vật, bảo vệ động vật hoang dã trong chính môi trường sống tự nhiên của chúng. Trong khi mục tiêu của bảo tồn là để bảo vệ nền đa dạng sinh học, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, thì mối quan tâm hàng đầu của chủ các cơ sở gây nuôi là lợi nhuận. Các cơ sở gây nuôi thương mại vì vậy sẽ không đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sinh sản hay có kiến thức để đảm bảo tránh giao phối cận huyết, lai tạp nguồn gen khiến các cá thể được gây nuôi không có giá trị bảo tồn. Hơn nữa, hầu hết các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được gây nuôi đã bị mất đi bản năng sinh tồn và kĩ năng cần thiết giúp chúng sống sót trong tự nhiên nếu được tái thả.
Sự song song tồn tại của cả sản phẩm động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp trên thị trường gây khó khăn lớn cho công tác thực thi pháp luật, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm lợi dụng để buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã bất hợp pháp.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhiều khả năng sẽ tăng lên đáng kể nếu các sản phẩm hiện đang bị cấm này được phép lưu hành trên thị trường. Khi sản phẩm từ động vật hoang dã sẵn có trên thị trường, nhiều người vốn chưa từng có nhu cầu sử dụng có thể sẽ “thử” sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã. Cùng với việc nhu cầu tiêu thụ tăng lên là sự gia tăng tình trạng săn bắn động vật hoang dã trái phép ngoài tự nhiên để đáp ứng nhu cầu đó.
Ngoài ra, một số loài động vật hoang dã hiện đã được gây nuôi thành công nhưng vẫn tiếp tục bị săn bắt ngoài tự nhiên vì chi phí đầu tư để khai thác ngoài tự nhiên rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư gây nuôi. Trong một số trường hợp, động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên còn được ưa chuộng hơn động vật hoang dã được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt.
![]() |
Gây nuôi tê tê thương mại tại Tây Ninh (Ảnh ENV).
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhận định: “Bảo tồn nền đa dạng sinh học độc đáo của đất nước luôn là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Để gìn giữ đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai, chúng ta cần phải nghiêm túc bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là những loài có nguy cơ bị mất đi vĩnh viễn. Việc gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có thể mang lại lợi nhuận cho một số người, song nó lại đe dọa nghiêm trọng đa dạng sinh học đất nước.”
Quan điểm của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên là có thể gây nuôi thương mại đối với động vật hoang dã thông thường khi có căn cứ khoa học chứng minh không ảnh hưởng đến quần thể loài trong tự nhiên. Giấy phép chỉ được cấp cho những loài đã được đánh giá kỹ tác động của các hoạt động khai thác loài đó không ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chúng trong tự nhiên. Với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cần bảo vệ một cách tuyệt đối, nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức khai thác và gây nuôi thương mại.
Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhấn mạnh: "Mọi biện pháp nửa vời sẽ là vô nghĩa. Chúng ta phải xóa bỏ quan niệm có thể thu lợi nhuận từ các hoạt động buôn bán và tiêu thụ đa dạng sinh học đất nước. Chúng ta phải kiên định với chính sách nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm".
100% cơ sở gây nuôi có dấu hiệu nhập lậu động vật hoang dã Trong thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 7/2015, ENV đã thực hiện một khảo sát về tình trạng gây nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) tại 26 cơ sở có quy mô lớn ở Việt Nam. Kết quả thu được từ báo cáo cho thấy hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam đang được quản lý hết sức lỏng lẻo, với hàng loạt vi phạm ghi nhận tại tất cả các cơ sở gây nuôi được khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy: 100% cơ sở có dấu hiệu nhập lậu ĐVHD ở những mức độ khác nhau; 100% các cơ sở cho biết thường xuyên bổ sung các cá thể săn bắt từ tự nhiên; 89% các cơ sở cho biết không áp dụng bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn giao phối cận huyết; 91% các cơ sở cho biết có mua giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD từ các cơ sở khác hoặc trực tiếp từ cán bộ kiểm lâm; 76% các cơ sở cho biết lực lượng kiểm lâm nhận hối lộ dưới nhiều hình thức. |
Hoàng Hương
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội

Giữ nguyên tư cách pháp nhân của các tổ chức chính trị, xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với Hội đồng Tư vấn chính sách

Đảng ủy xã, phường sau sắp xếp được lập 3 cơ quan tham mưu

Tự hào, biết ơn những đóng góp, hy sinh cho hòa bình Tổ quốc

Dự thảo văn kiện phải xuyên suốt tư duy đổi mới của Đảng, mang tính hành động, khả thi, bám sát thực tiễn

Lập tổ công tác tiếp công dân phục vụ đại hội Đảng các cấp

Cử tri Gia Lâm đồng thuận cao với phương án sắp xếp đơn vị hành chính

Cử tri bức xúc vì sữa giả, thuốc giả, quảng cáo sai sự thật
