Giải pháp để hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh Lao
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trình bày tại hội thảo.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm chương trình phòng chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trên thế giới có 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, Việt Nam xếp thứ 16 đối với tất cả bệnh lao, xếp thứ 13 về lao kháng thuốc. Ước tính năm 2017, Việt Nam có thêm 126.000 người mắc lao và có 13.000 người chết do lao.
Cũng theo ông Nhung, tại Việt Nam mỗi năm phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm, con số này trên toàn cầu là 61%. Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90% trong số mới mắc lần đầu).
Lao đa kháng thuốc đã được phát hiện và điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh cao, đến năm 2017 đã thu nhận điều trị cho 5827 người bệnh lao kháng thuốc với tỷ lệ khỏi bệnh trên 75%, con số này trên toàn cầu là 52%.
Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, hiện nay, Chương trình có thể điều trị cho tất cả các thể lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
'Dự kiến năm 2018 sẽ thu nhận 3.420, năm 2019 là 4.050 và năm 2020 là 4.680 người mắc lao kháng thuốc, có thể bao phủ toàn bộ số người mắc lao kháng thuốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng", ông Nhung thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Nhung, hiện Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý khá đầy đủ cho việc chấm dứt bệnh lao bao gồm: Nghị quyết của Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống Lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015-2020.
Cùng đó, hệ thống phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc gồm 50 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.
Ngoài ra, ông Nguyễn Viết Nhung cũng chia sẻ về hàng loạt các ứng kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, phương pháp tiếp cận mới đang được Việt Nam triển khai ứng dụng như: Chương trình nghiên cứu điều trị lao tiềm ẩn trong cộng đồng đang được nghiên cứu và tiềm năng làm giảm mạnh tỷ lệ mắc mới. Các nhóm nguy cơ cao đều đã được thí điểm các can thiệp hiệu quả như lao trong trại giam, lao đái đường, nhóm thợ mỏ, nhóm bệnh mạn tính, nhóm có HIV, nhóm nghiện chích …
Về phía tổ chức quốc tế, TS. Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng để tiến tới chấm dứt bệnh lao, Việt Nam hãy đi tiên phong trong những nỗ lực chấm dứt bệnh lao tại thời khắc lịch sử này bằng việc đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo cấp quốc gia trong cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh Lao sẽ diễn ra ngày 26/9 sắp tới.
Trước đó, đoàn công tác của Chương trình chống Lao toàn cầu đã dành thời gian làm việc với Chương trình chống Lao Quốc gia. Tại các buổi làm việc, TS Tereza Kasaeva đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu của WHO về kết thúc bệnh lao và thông qua Tuyên bố Moscow để chấm dứt bệnh lao. Sự hiện diện của đoàn cấp Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã góp phần rất quan trọng cho sự thành công của Hội nghị cũng như Tuyên bố về đẩy nhanh tiến độ Kết thúc bệnh Lao toàn cầu.
Nhân dịp 71 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, Đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại đài tưởng niệm Bắc Sơn. Đoàn cũng đã tới thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch.