Giảm thuế bảo vệ môi trường, hạ nhiệt giá xăng dầu: Đại biểu chỉ ra "ba điểm bất hợp lý"
Bộ trưởng Bộ Công thương: Xử lý nghiêm, rút giấy phép doanh nghiệp xăng dầu găm hàng, trục lợi Hôm nay, Bộ trưởng Công thương, Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn về xăng dầu, đất đai |
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) |
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, đại biểu Quốc hội (QH) Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại.
Đại biểu cho rằng giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý như sau: Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường. Vì thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.
Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.
Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… Như đối với Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT, đối với Ấn Độ, Thái Lan, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt…
Đại biểu cho rằng việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý.
Đồng tình với nhận định công cụ điều hành giá, nhất là giá xăng dầu thì phải dùng đến quỹ bình ổn, sau đó đến thuế, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào ngành Công thương cũng rất cân nhắc. Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công thương thấy rằng tình hình rất căng thẳng khi biến động giá thế giới như thế này mà xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Ở đây thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều thứ hai nữa là thuế môi trường 4.000đ/lít, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng chưa phải có cơ sở thật khoa học để khẳng định rằng là phải là 4.000 đồng chứ không phải là 5.000 mà hay 3.000 hoặc 2.000 đồng. Trong lúc khó khăn, chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, ông đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: QH) |
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho bộ này, bộ kia mà là giải quyết bài toán trước mắt. Nếu chờ Quốc hội sửa luật và thông qua thì phải tháng 6 - 7, lúc đó đã hết Quỹ Bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày hiện tại thì công tác điều hành vô cùng khó khăn.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Công thương về việc chọn thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu thực tế hiện nay nguồn nguyên liệu đầu vào của Việt Nam còn quá phụ thuộc vào thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu.
Khi phụ thuộc từ nguồn cung thế giới, Bộ trưởng cho biết giá dầu thô tăng thì giá cơ sở của Việt Nam sẽ tăng lên.
Đề cập tới công thức tính giá xăng dầu hiện nay, ông Phớc lấy dẫn chứng khi giá xăng RON 92 130 USD/thùng thì giá là 18,855 đồng/lít, cộng thêm các chi phí khác như thuế nhập khẩu 8%, thuế TTĐB 10%, chi phí định mức 6%, lợi nhuận định mức 300 đồng, mức trích quỹ bình ổn 300 đồng, thuế BVMT 4.000 đồng, thuế GTGT 10%. Như vậy giá thế giới là 130 USD/thùng thì giá cơ sở sẽ là 30.800 đồng/lít.
Theo Bộ trưởng Tài chính, tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu khoảng 33,5%. Do vậy phương án giảm thuế chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp đồng bộ.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trên sẽ giảm khoảng hơn 31.000 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng chỉ ra rằng, khi giá dầu thô tăng lên, nền kinh tế rất thiệt hại. Giá mặt hàng này càng tăng thì sản xuất càng đình trệ. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá cần linh hoạt để đảm bảo sự phát triển.
Sau khi cân nhắc, Bộ trưởng cho biết việc giảm thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nhanh hơn, đảm bảo đáp ứng kịp thời hơn trong bối cảnh hiện nay.