Hà Nội - 60 năm dựng xây và phát triển: Vững thế rồng bay
![]() |
60 năm chưa phải là một chặng đường dài trong quá trình phát triển của lịch sử nhưng cũng đủ để người dân Thủ đô và cả nước hôm nay tự hào về những chuyển biến lớn lao và vững tin vào tương lai của một Thủ đô hiện đại, giàu đẹp và văn minh...
Cả thế và lực đều mới
Chia tay năm Giáp Ngọ, Hà Nội đang hối hả những ngày đón Xuân ất Mùi. Những ngày này Hà Nội như đang được khoác trên mình chiếc áo mới không chỉ với sắc cờ, hoa của một mùa lễ hội mà còn đang khoác trên mình cả diện mạo mới với cả thế và lực của một Thủ đô hiện đại và năng động, sau 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển.
KTS Vũ Hoài Đức - một người con Hà Nội, cho biết: "Nếu như giai đoạn trước "đổi mới" chỉ có 1 đồ án quy hoạch Hà Nội được phê duyệt (quyết định số 100TTg ngày 24/4/1981) thì giai đoạn sau "đổi mới", tất cả các đồ án đều được Thủ tướng Chính phủ duyệt với độ lớn về diện và sâu về chất. So với năm 1954, những chỉ số cơ bản về quy mô đất đai, quy mô dân số của toàn thành phố và khu vực đô thị hiện nay cho ta thấy rõ hơn quá trình đô thị hóa của Hà Nội".
Đúng như lời KTS Vũ Hoài Nam nói, Hà Nội ngày nay đã, đang ngày càng hiện đại hơn với những cơ sở hạ tầng mới được hoàn thành. Nhiều khu vực trước kia là nông thôn hẻo lánh, giờ trở thành khu đô thị hiện đại, trong đó có nhiều khu đô thị tầm cỡ khu vực, thế giới. Những công trình giao thông như Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 trên cao, hay những cây cầu bắc qua sông Hồng như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì… cũng phần nào khẳng định thêm điều đó. Cùng với đó, những công trình như tuyến đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh, cầu Nhật Tân, tuyến đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Đông Trù… đang dần được hoàn thiện chắc chắn sẽ làm diện mạo của Thủ đô thay đổi và mang giá trị biểu tượng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: "Năm 2014, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá mạnh, lạm phát được kiểm soát. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,8%. Thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 130.100 tỷ đồng, bằng 103% dự toán HĐND TP giao. TP đã lựa chọn đúng và triển khai thực hiện có hiệu quả năm "trật tự văn minh đô thị", tạo chuyển biến bước đầu quan trọng, thành phố sáng hơn, sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn. Công tác cải cách hành chính của TP tăng 2 bậc so với năm 2013; chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 18 bậc. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước đứng thứ 2 toàn quốc. Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng".
Không chỉ đẹp hơn, hiện đại hơn, mà Hà Nội đang cho ta thấy, một đô thị năng động trong kinh doanh. Nhìn lại từ cuối năm 2006, đặc biệt từ đầu năm 2007, Hà Nội thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn, công ty lớn từ nhiều nước, cũng như khơi dậy tiềm năng đầu tư từ dân doanh trong nước. Những Lottle, Metro, BigC cùng với những tòa nhà chọc trời đã có mặt tại Thủ đô, và rồi sắp tới đây, Aeon, Wal-Mart, Central Group… cũng đang rục rịch đầu tư trong thời gian không xa.
Cốt cách một Thăng Long "lắng hồn núi sông"
60 năm qua - bộ mặt đô thị đổi thay không ngừng, Hà Nội - thành phố có tuổi đời 1.000 năm là một trong những Thủ đô có được nét hòa quyện, đan xen giữa nhiều "lớp không gian" qua từng giai đoạn lịch sử, có nét giao hòa "Đông - Tây", làm nên những ấn tượng đặc biệt, hấp dẫn và thú vị, say mê biết bao người.
Dước góc nhìn kiến trúc sư, KTS Lê Văn Lân, cho rằng: "Hà Nội đáng yêu vì có những không gian đô thị đặc trưng. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc ẩn mình trong cảnh quan sông dài, hồ rộng và cây xanh. Một khu phố cổ, tới nay tuy đã khác nhiều so với thế kỷ XVII, XVIII, song vẫn có thể tìm gặp biết bao dáng dấp xưa cũ của Kẻ chợ. Có khu phố cũ và những công trình từ lúc người Pháp thực hiện khai thác thuộc địa lần thứ nhất, lần thứ hai, đến nay với nhiều kiến trúc sang trọng; có cả những công trình xây dựng mang mục đích xác lập sự thống trị… Rồi hàng loạt công trình tiếp nhau, xây dựng từ sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày đất nước thống nhất và đổi mới".
Vượt qua bao thăng trầm với quốc gia Đại Việt, Hà Nội hôm nay đã thay đổi. Tuy nhiên, trong sự đổi thay ấy, Hà Nội vẫn giữ nguyên nét đẹp, cốt cách của một Thăng Long - “lắng hồn núi sông ngàn năm". Vẫn còn đó các địa danh lịch sử: Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan... vang vọng hào khí “Đông A” một thời, quyết định 3 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông; từ Chí Linh, Chi Lăng, Xương Giang đến Hội thề Đông Quan đã đi vào lịch sử như huyền thoại được viết bằng máu xương của nghĩa quân Lam Sơn, thấm đượm giá trị nhân văn cao cả “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo” và để lại dấu tích trên hồ Hoàn Kiếm - biểu trưng cho lòng yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu của dân tộc ta. Người Việt Nam không bao giờ quên khí thế hào hùng của trận thần tốc đại phá giặc Thanh năm Kỷ Dậu 1789, ghi dấu bằng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến vào giải phóng Kinh thành Thăng Long đúng vào ngày Tết rực rỡ sắc hoa đào với câu nói bất hủ “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”… Tất cả đã hun đúc nên bề dày giá trị văn hóa và dáng vẻ của Hà Nội hôm nay.
Đối xử như thế nào với những đặc thù đô thị là trách nhiệm của nhiều thế hệ, song mỗi giải pháp quy hoạch, từng bản thiết kế công trình, những hạng mục kỹ thuật đô thị... đều không được làm lu mờ, che khuất, hay biến dạng xáo trộn những không gian đặc thù của một Thăng Long ngàn năm văn hiến", đó là mong muốn của lãnh đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Nhận diện giá trị di sản để bảo tồn và phát huy, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng: "Gần đây, thành phố đã nâng tầm nhiều giá trị di sản cả vật thể, phi vật thể, ban hành nhiều thể chế quản lý như quy hoạch phố cổ, phố cũ… Thế nhưng công việc này vẫn còn nhiều thách thức".
Vững thế "rồng bay"
Bên cạnh đổi thay về diện mạo, quy mô, Thủ đô Hà Nội cũng đối mặt với những vấn đề phức tạp, nóng bỏng, bức xúc đang nảy sinh trong quá trình phát triển. Đó là sự phát triển quá tải về dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, ô nhiễm môi trường, hệ thống giao thông ùn tắc, thoát nước… Bên cạnh đó, với nhu cầu phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, bài toán vốn cũng đang được đặt ra đối với Hà Nội trong việc thực hiện quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2006-2020, tầm nhìn 2030.
"Kinh tế của chúng ta đã phục hồi nhưng chậm và khó khăn. Tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm chuyển biến chưa tích cực. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ còn hạn chế. Công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực trong giải quyết công việc chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo..." bà Ngô Thị Doãn Thanh Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nêu rõ.
Về phía các chuyên gia kinh tế, nhiều người cho rằng, kinh tế Hà Nội phát triển vẫn chưa toàn diện; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt. Kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám làm nên giá trị gia tăng cao của ngành kinh tế chủ lực chưa thể hiện rõ nét. Sức lan tỏa của một “trung tâm kinh tế lớn,” một động lực kinh tế trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề còn tồn đọng nêu trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đưa ra những mục cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Cụ thể, huy động mọi nguồn lực, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. thực hiện tốt các mục tiêu an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội. Tăng cường quản lí quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, môi trường... tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả "năm văn minh đô thị"; Bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Phấn đầu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kết hoạch 5 năm (2011-2015)
60 năm đã đi qua, ghi dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển của Thủ đô Hà Nội. Dù phía trước vẫn còn thử thách, nhưng với tinh thần “Đoàn kết hợp tác - trách nhiệm” cùng những kinh nghiệm, bài học và những kết quả toàn diện đã đạt được sẽ là hành trang quý giá để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội dựng xây một Thủ đô giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, hiện đại, văn minh, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng”.
Cao Hòa
Ảnh: Minh Việt
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hành trình giao hưởng qua ba miền ký ức và văn hóa

Cuốn sách khắc họa tâm hồn cao cả của Bác Hồ

Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải: Mốc son 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hội đồng Anh chính thức khởi động chương trình tài trợ kết nối thông qua Văn hóa năm 2025

Xây dựng bản sắc văn hóa sáng tạo mang đặc trưng của Thủ đô

Các nhà hát nổi tiếng thế giới đã thay đổi vị thế quốc gia như thế nào?

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong "Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội"

Khám phá 'con đường Phật giáo' trong khu đại lễ Vesak 2025 ở Việt Nam

Renzo Piano - Huyền thoại của ngành kiến trúc toàn cầu kiến tạo Nhà hát Opera Hà Nội
