Hà Nội: Chủ động phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm
Ngành y tế Hà Nội sẽ duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao các loại vắc xin cho các đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch
Bài liên quan
Phát hiện 1 mẫu đất có vi khuẩn Whitmore tại gia đình có 3 trẻ tử vong ở Sóc Sơn- Hà Nội
Bảo đảm đủ nguồn vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm
Cụ thể, trong năm 2020, ngành y tế Thủ đô tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở.
Ngành Y tế sẽ giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng, đặc biệt là các ổ dịch cũ; xây dựng hệ thống giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội; phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch mới, không để dịch bùng phát và lan rộng; Giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt là hành khách đến từ vùng có dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện mắc bệnh dịch để cách ly, chuyển tuyến điều trị.
Việc vệ sinh chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt tại cơ sở cấp nước, khu chung cư, bệnh viện, trường học... sẽ được giám sát chặt chẽ.
Các đội chống dịch cơ động đảm bảo khả năng đáp ứng nhanh trước những tình huống dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng cũng như tổ chức thường trực chống dịch theo quy định để kịp thời đáp ứng trước diễn biến bất thường của dịch bệnh.
Song song với đó là nâng cao năng lực hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, nâng cấp phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và năng lực phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; Xây dựng văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh để đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh hoặc sự kiện sức khỏe y tế công cộng tại Hà Nội.
Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh an toàn thực phẩm được ngành y tế đặc biệt quan tâm.
Trong năm 2020, ngành y tế sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, khu công cộng, cơ quan, trường học; Tổ chức các chiến dịch thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy và chiến dịch rửa tay bằng xà phòng. Giám sát định kỳ chất lượng nước...
Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đào tạo tập huấn, duy trì tiêm chủng mở rộng hàng tuần cũng được ngành y tế đặc biệt quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện tích cực để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đối với công tác tiêm chủng, toàn ngành duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao các loại vắc xin cho các đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch; Tiếp tục thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng như các văn bản quy định về hoạt động tiêm chủng; Rà soát, đánh giá thực trạng việc thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia nhằm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động tiêm chủng.
Năm 2019, các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được kiểm soát tốt, không ghi nhận các dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Các dịch bệnh lưu hành được kiểm soát, khống chế kịp thời, không để lan rộng và không có trường hợp tử vong do dịch bệnh.
Trong năm, dịch bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 12.200 trường hợp mắc, 1.765 trường hợp mắc sởi, 1045 trường hợp mắc tay chân miệng, 115 trường hợp ho gà... Các hoạt động phòng chống dịch triển khai sớm, đồng bộ, duy trì ổn định hoạt động tiêm chủng đã góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.