Hà Nội: Đảm bảo công tác xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 (Covid-19) trong tình hình mới
Ảnh minh hoạ
Bài liên quan
84 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
Du học sinh Việt vẫn lao đao vì đại dịch Covid-19
Hà Nội tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới
DQS đã vượt “bão” Covid-19 thế nào?
Trong giai đoạn hiện nay khi mà dịch bệnh đang được kiểm soát tại cộng đồng, chỉ ghi nhận ca bệnh xâm nhập tại các điểm cách ly tập trung nhưng vẫn có nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới tại cộng đồng, Sở Y tế chỉ rõ các nhóm đối tượng được xét nghiệm và kỹ thuật xét nghiệm được thực hiện.
Đó là các trường hợp nghi ngờ theo hướng dẫn giám sát ban hành kèm theo quyết định 936/QĐ-BYT ngày 18/3/2020 của Bộ Y tế; nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ không có triệu chứng và tiếp xúc gần với ca bệnh xác định Covid-19 trong vòng 14 ngày mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp; các trường hợp có xét nghiệm bằng kỹ thuật test nhanh phát hiện kháng thể IgM/IgG dương tính thì lấy mẫu ngay để xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.
Các trường hợp xác định Covid-19 đang trong quá trình điều trị cần lấy mẫu ngay để xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR và xem xét thêm có thể lấy mẫu để làm xét nghiệm huyết thanh học. Kỹ thuật xét nghiệm này cũng được áp dụng cho các trường hợp mắc Covid-19 xác định đã được điều trị khỏi bệnh, ra viện và đang được theo dõi tiếp trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra viện; trường hợp mới được cách ly tập trung và trước khi rời khu cách ly tập trung 1-2 ngày; các trường hợp đến khám bệnh hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do nhiễm vi rút (SVP) - có sốt và có ít nhất 1 biểu hiện/triệu chứng về bệnh liên quan đến hô hấp.
Những người sống trong các ổ dịch có quyết định khoanh vùng cách ly; người nhập cảnh chưa được xét nghiệm khẳng định; những trường hợp tiếp xúc gần vòng 1 (F1) với ca bệnh xác định Covid-19; các trường hợp khác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố cũng thuộc đối tượng áp dụng kỹ thuật xét nghiệm nói trên.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng kỹ thuật test nhanh phát hiện kháng thể IgM/IgG cho các trường hợp là nhóm quần thể nguy cơ hoặc người tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ, trường hợp bệnh xác định nhằm đánh giá nguy cơ, khả năng lây nhiễm tại cộng đồng và trong nhóm quần thể được xét nghiệm; người sinh sống tại các khu vực ổ dịch xác định có quyết định khoanh vùng để nghiên cứu, đánh giá tỷ lệ nhiễm bệnh tại cộng đồng; người làm việc, buôn bán tại các chợ đầu mối, nhà ga, bến tầu, bến xe thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người.
Trong giai đoạn bệnh lây lan trong cộng đồng thì căn cứ theo tình hình thực tiễn, Sở Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể hoạt động xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 đảm bảo phù hợp với năng lực của các phòng xét nghiệm trên địa bàn thành phố.
Về năng lực xét nghiệm, hiện nay trên địa bàn thành phố có ít nhất 14 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 bao gồm: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng; Viện Y học dự phòng quân đội; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Phổi Trung ương; Bệnh viện Trung ương Quân đội108; Bệnh viện Quân y 103; Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương; Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Bệnh viện đa khoa Medlatec.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng đã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật thực hiện test nhanh sử dụng bộ kít Genbody Covid-19 IgM/IgG do Hàn Quốc sản xuất cho TTYT các quận, huyện, thị xã và một số bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố.
Về hoạt động chuyên môn, Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội là đơn vị thường trực, tham mưu cho Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố;
Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chuyên môn liên quan đến hoạt động xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, đồng thời tổ chức tập huấn về an toàn sinh học, quy trình lấy mẫu…cho tuyến dưới.
Đơn vị cũng cần đảm bảo đầy đủ vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm đảm bảo cho hoạt động xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm kịp thời, chất lượng; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn đảm bảo đúng quy định.
Với các bệnh viện trong và ngoài công lập, Sở Y tế yêu cầu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 của đơn vị theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, giường bệnh, cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị… để đảm bảo thực hiện cách ly y tế đối với các trường hợp nghi ngờ được lấy mẫu xét nghiệm cho đến khi có kết quả xét nghiệm.
Đồng thời, các đơn vị cũng phải rà soát năng lực, các điều kiện để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay tại đơn vị, báo cáo Sở Y tế để thực hiện việc xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.
Riêng với Trung tâm Cấp cứu 115, Sở Y tế yêu cầu sẵn sàng nhân lực, phương tiện để tham gia vận chuyển người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đến các điểm cách ly;
Đồng thời, thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học cho nhân viên tham gia hoạt động vận chuyển bệnh nhân; thực hiện khử khuẩn xe cấp cứu sau khi vận chuyển bệnh nhân.
Song song với việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị điều trị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115, Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho phòng Nghiệp vụ Y, Nghiệp vụ Dược, Kế hoạch - Tài chính và TTYT các quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch này.