Hà Nội đang tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng sạch
Năng lượng xanh rất quan trọng đối với tương lai của Việt Nam AFD và EVN hướng hợp tác vào chuyển dịch năng lượng |
Dự buổi giám sát có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi giám sát |
Chưa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường điện
Báo cáo về kết quả công tác triển khai thực hiện hệ thống pháp luật liên quan trong lĩnh vực phát triển năng lượng trên địa bàn TP Hà Nội, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Thắng cho biết: Nhìn chung công tác đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, tin cậy duy trì và thực hiện tốt, góp phần hữu hiệu vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đến năm 2021 toàn TP có 3 trạm biến áp và 285 lưới điện 500kV; 13 trạm biến áp và 775,86km lưới điện 220kV; 63 trạm biến áp và 1.052km lưới điện 110kV; Hơn 22.694 trạm biến áp phân phối và 47.000km đường dây trung hạ thế các loại.
Lưới điện Thủ đô được hoàn chỉnh liên kết mạch vòng với các trạm biến áp tại các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hoà Bình... đảm bảo cung cấp điện cho khoảng 2,8 triệu khách hàng toàn TP phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hoá - xã hội quan trọng. Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu phụ tải đỉnh trong mùa hè liên tục tăng cao các năm gần đây; Đảm bảo yêu cầu về an toàn trong mùa mưa bão.
Về đầu tư phát triển nguồn điện, đến năm 2021 toàn TP lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MW; 1 nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW đã đi vào vận hành; 2 dự án nguồn điện gồm Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành 2/3 tổ máy phát công suất 60MW) và dự án Nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW (khởi công xây dựng ngày 30/3/2022).
Giai đoạn 2016-2021, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của EVN Hà Nội trung bình đạt 7,93%/năm; Đặc biệt năm 2017 và 2018 có tốc tốc tăng trưởng cao lần lượt là 13% và 10%. Thời gian mất điện trung bình giảm sâu qua các năm, thực hiện năm 2016 đạt 964,8 phút, đến năm 2021 giảm còn 163,1 phút.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi lại buổi giám sát |
Còn theo Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Danh Duyên, hằng năm, căn cứ vào kế hoạch của UBND TP, EVN Hà Nội phát động phong trào “Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Với khách hàng có nhiều hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng đô thị, đèn quảng cáo, trang trí các đơn vị làm việc trực tiếp với các công ty quảng cáo có biển quảng cáo cỡ lớn để tuyên truyền tiết kiệm điện; Thực hiện ký cam kết tiết giảm công suất điện đến các khách hàng theo mục đích sử dụng điện trên địa bàn đơn vị quản lý.
Bằng những biện pháp đó, năm 2016 sản lượng điện tiết kiệm điện là 351,2 triệu kWh; Năm 2018 là 361,93 triệu kWh; Năm 2019 là 396,83 triệu kWh; Năm 2020 là 430,80 triệu kWh; Năm 2021 là 447,13 triệu kWh.
Theo Sở Công thương Hà Nội, mặc dù thị trường điện lực giai đoạn 2016-2021 các chỉ tiêu về điện đều có sự tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước nhưng đến nay chưa hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Việc hấp dẫn đầu tư từ nguồn lực kinh tế - xã hội đối với thị trường điện không cao.
Một trong những nguyên nhân khiến khó thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng lưới điện, đầu tư kinh doanh lưới điện do nguồn vốn cho đầu tư xây dựng phát triển lưới điện cao áp chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Một số công trình phụ thuộc tín dụng vay từ các tổ chức quốc tế do bị chậm tiến độ nên phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh gia hạn thời gian hoàn thành, tỷ lệ thực hiện theo quy hoạch chưa cao.
Bên cạnh đó, biểu giá bán điện của Bộ Công thương ban hành có cơ cấu phức tạp, không thu hút các nhà đầu tư nên chưa khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế khác tham gia vào phát triển thị trường điện.
Có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển năng lượng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi giám sát |
Tại buổi làm việc, ĐBQH Tạ Đình Thi cho rằng, điện mặt trời, điện mái nhà, điện sinh khối, việc ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng lưới điện thông minh chưa được đề cập cụ thể trong báo cáo giám sát; Đồng thời, cần kiến nghị các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TP.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, thành phố cần có chiến lược mang tính toàn diện về quy hoạch trạm phân phối xăng dầu, trạm biến áp để bảo đảm nhu cầu của người dân và an toàn. Đại biểu cũng cho rằng, trạm sạc công cộng cho xe điện hiện chưa được quan tâm, cần có chủ trương cụ thể trong xu hướng phương tiện giao thông “xanh” đang phát triển mạnh mẽ.
Trao đổi làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong nhiệm kỳ này, TP bảo đảm tốt công tác dự phòng, cung cấp điện trên địa bàn TP; Bên cạnh đó, ý thức sử dụng điện của người dân Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tốt.
Hiện TP đang tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng sạch, chỉ đạo các tuyến xe buýt khi đấu thầu phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, theo đúng lộ trình chuyển đổi tỷ lệ phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng sạch đến năm 2030; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh....
Phó Chủ tịch UBDN TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP cũng cải tạo toàn bộ hệ thống điện ở khu đô thị, công cộng, trạm xăng theo hướng sử dụng năng lượng sạch.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao các đơn vị chuẩn bị báo cáo cơ bản đảm bảo yêu cầu. Một số nội dung thành viên đoàn trao đổi đã được lãnh đạo đơn vị tiếp thu, giải trình làm rõ.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đã đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, cho nhu cầu của người dân thể hiện qua chỉ số hài lòng của người dân; Chỉ số tiết kiệm điện năng...
Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị tiếp tục hoàn thiện báo cáo, nêu rõ hơn giải pháp để giải quyết, tháo gỡ nguy cơ, thách thức về thiếu năng lượng. TP cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.