Hà Nội đề xuất 20 kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, xây dựng
Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng bộ Xây dựng chiều 21/8, báo cáo về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết: Bộ Xây dựng đã hỗ trợ Hà Nội trên 5 lĩnh vực chính.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo tại hội nghị |
Về công tác quy hoạch, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%. Thành phố cũng đã phê duyệt khoảng 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng với tổng diện tích khoảng 14.116,3ha.
Thành phố đã chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu hút hiệu quả đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở mới với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Đến nay, toàn thành phố có trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nâng diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2019 đạt 27,09m2/người, dự kiến hết năm 2020 đạt 27,25m2/người, vượt chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, thành phố đã hoàn thiện Đề án cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ báo cáo Bộ Xây dựng; Tổ chức thực hiện kiểm định 33 công trình nhà chung cư cũ; Tiến hành rà soát, lập danh mục kiểm định các nhà chung cư cũ giai đoạn 2020-2022 (dự kiến 177 công trình).
Trong công tác quản lý, duy tu hệ thống hạ tầng đô thị, Hà Nội đã tập trung phát triển các dự án cấp nước. Đến nay, công suất cấp nước đạt 1.520.000 m3/ngày đêm, vượt nhu cầu sử dụng cao nhất vào thời gian cao điểm nắng nóng mùa Hè, vào khoảng 1.250.000 - 1.300.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ phủ mạng cấp nước cho người dân khu vực nông thôn đạt khoảng 78%. Thành phố cũng tập trung đầu tư các dự án nhà máy xử lý nước thải; Thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường 90/125 hồ nội thành.
Đáng chú ý, Hà Nội đã hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng thêm 600 nghìn cây trong năm 2019, 2020. Riêng năm 2019, toàn thành phố đã trồng hơn 581 nghìn cây đô thị, bóng mát (chưa bao gồm 124.039 cây ăn quả), đạt 102,4% kế hoạch.
Đặc biệt, thành phố thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận, huyện, thị xã, nhờ đó tỷ lệ công trình vi phạm giảm mạnh (năm 2016 là 13,5%; năm 2017 là 10,99%; năm 2018 là 5,22% và năm 2019 còn 3,07%). Hiện nay, UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thí điểm mô hình các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, tiến độ hoàn thành các quy hoạch chung, đô thị vệ tinh, phân khu, cải tạo các khu chung cư cũ còn chậm; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác duy trì vệ sinh môi trường tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn là vấn đề bức xúc; tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng không đúng nơi quy định vẫn diễn ra ở một số tuyến, trục đường. Công tác đảm bảo trật tự xây dựng đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa vững chắc; Vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những diễn biến phức tạp như: Xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công... Ngoài ra, công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư vẫn còn bất cập, tiếp tục phải chấn chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát, giai đoạn 2020-2025, trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội là đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững; Tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh; Tăng cường quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, kỷ cương và văn minh đô thị.
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 60-62%; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%; Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 55-60%; Tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý (tính cho cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn) đạt 100% và tỷ lệ nước thải các cụm công nghiệp đang hoạt động và xây dựng mới có xử lý đạt 100%.
Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội đề xuất 15 nội dung phối hợp với Bộ Xây dựng và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ 20 khó khăn, vướng mắc trên 5 lĩnh vực chính. Trong đó, thành phố kiến nghị Bộ thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; Thực hiện lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học và các trụ sở bộ, ngành, cơ quan Trung ương… trong nội thành Hà Nội, bàn giao quỹ đất cho thành phố để bổ sung xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Cùng với đó, ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội và phối hợp với Hà Nội trong xây dựng, trình phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Hướng dẫn về đầu tư xây dựng các công trình nhà ở hiện có trên bãi sông thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, làm cơ sở tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng, đảm bảo việc sinh sống ổn định, giải quyết các nhu cầu xây dựng của người dân tại các khu vực nêu trên...