Hà Nội: Gần 89 nghìn thí sinh đăng ký thi vào 10 THPT
Ông Lê Hồng Chung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT thông tin tại hội nghị giao ban báo chí
Bài liên quan
Năm học 2020 - 2021: Hà Nội không tăng học phí đối với các cấp học
Chiều 7/7, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cung cấp thông tin về kế hoạch chuẩn bị năm học mới 2020 - 2021 trên địa bàn.
Theo ông Lê Hồng Chung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, năm học này Hà Nội có 2.792 trường mầm non, phổ thông với trên 62.200 nhóm lớp và hơn 2,1 triệu học sinh. So với cùng kỳ năm trước, thành phố tăng 44 trường (25 trường công lập và 19 trường tư thục), tăng 1.792 nhóm lớp và tăng trên 67.000 học sinh.
Để chuẩn bị khai giảng năm học mới 2020 - 2021, các quận, huyện, thị xã đã đầu tư xây mới, thành lập mới 38 trường học các cấp với kinh phí trên 1.920 tỷ đồng; Xây dựng chống xuống cấp dự kiến đầu tư 445 tỷ đồng kinh phí cho 72 trường.
Sở GD&ĐT cũng triển khai xây dựng kế hoạch biên chế năm 2021 trên cơ sở vị trí việc làm đã được phê duyệt; Phối hợp với Sở Nội vụ triển khai thực hiện Quyết định của UBND thành phố về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2020 những trường hợp lao động hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc thành phố từ năm 2015 trở về trước, có 2.034 trường hợp đủ điều kiện.
Đối với công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở GD&ĐT cho biết, điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT là thay đổi tên kỳ thi: “Thi THPT quốc gia” thành “thi tốt nghiệp THPT”; UBND tỉnh, thành phố chủ trì và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi và Thanh tra của địa phương tham gia theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Năm nay, dự kiến có trên 75.000 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp (tăng khoảng 3.000 học sinh so với năm 2019); Dự kiến có khoảng 80.000 thí sinh dự thi (kể cả tự do); Có 3.336 phòng thi, 143 điểm thi, khoảng 8.700 các bộ coi thi, giám sát phòng thi và khoảng 1.430 bảo vệ, phục vụ kỳ thi.
Đối với thi tuyển sinh vào lớp 10, trường công lập thực hiện phương thức “Thi tuyển" theo hướng tổ chức thi 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Đối với trường THPT ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính thực hiện theo phương thức "Xét tuyển” căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hoặc dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS.
Với số liệu thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Sở GD&ĐT cho biết, sẽ xét tốt nghiệp THCS hơn 10.000 học sinh; Số học sinh đăng ký dự thi 88.928 học sinh; Có 3.728 phòng thi, tổ chức tại 172 điểm thi.
Việc tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp; Tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày. Thực hiện phương thức “xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do quận, huyện quy định”. Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu.
Để chuẩn bị cho việc tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT đã phổ biến quy chế thi, quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu với UBND thành phố quyết định thành lập các Ban Chỉ đạo; Họp Ban Chỉ đạo thành phố lần thứ nhất thông qua dự thảo kế hoạch và phân công nhiệm vụ; Ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức đăng ký dự thi; Tổ chức các hội nghị hướng dẫn thi, tuyển sinh, xét tốt nghiệp; Lập dự trù kính phí, chuẩn bị văn phòng phẩm, dự kiến các địa điểm đặt Ban in sao đề thi, Ban làm phách, các Ban chấm thi, dự kiến điểm thi; Rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ thi, tuyển sinh...