Hà Nội ghi nhận 2.750 ca mắc sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh
Riêng 4 tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Thạch Thất đứng đầu với 483 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (231 ca), Bắc Từ Liêm (219 ca), Thanh Trì (182 ca), Hà Đông (161 ca), Phú Xuyên (152 ca), Nam Từ Liêm (129 ca), Thường Tín (124 ca)...
Sở Y tế, CDC Hà Nội giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch sốt xuất huyết |
Ngoài ra, tính đến ngày 4/8, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 198 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã và 111 xã, phường, thị trấn. Hiện tại, 110 ổ dịch đang hoạt động.
Theo CDC Hà Nội, kết quả báo cáo của các trung tâm y tế, từ đầu năm nay đến ngày 4/8, toàn TP đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, đạt 82% so với chỉ tiêu từ đầu năm đề ra.
Một số địa phương thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra như: Thanh Trì (tỷ lệ 29%), Cầu Giấy (29%), Hoàn Kiếm (40%), Tây Hồ (40%), Thường Tín (46%), Phúc Thọ (47%)…
CDC Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch sốt xuất huyết.
Tính đến ngày 4/8, các đơn vị đã thực hiện giám sát 647 lượt điểm thuộc 5 khu vực. Kết quả, 296/647 lượt điểm giám sát (chiếm tỷ lệ 45,2%) có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.
Mặt khác, cơ quan chức năng đã thực hiện giám sát 30 lượt điểm tại các ổ dịch, trong đó 27/30 (chiếm 90%) lượt điểm có kết quả xử lý ổ dịch chưa hiệu quả; Chỉ số muỗi, bọ gậy ở ngưỡng cao sau xử lý.
Theo CDC Hà Nội, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang gặp khó khăn do một số đơn vị hiện tại chưa mua sắm được hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy. Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết.
Cảnh giác sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, bệnh do virus Dengue gây ra. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, nhất là sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.
Trẻ sẽ có những biểu hiện của sốt xuất huyết thể nhẹ: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, kém đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt; Đau đầu, đau cơ, đau nhức 2 hốc mắt; Da có thể bị phát ban, sung huyết.
Bệnh nhi 4 tuổi bị sốt xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan phải thở máy, truyền nhiều máu, chế phẩm máu, dẫn lưu giải áp ổ bụng |
Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thể bệnh nặng thì ngoài các triệu chứng trên thì thường kèm theo các biểu hiện sau: Dấu hiệu xuất huyết (chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen (do bị xuất huyết tiêu hóa); Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý nếu trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nhanh chóng như chảy máu (có thể nhẹ như xuất huyết dưới da cho đến nặng nề như xuất huyết tiêu hóa, chảy máu nội tạng); Nôn ói liên tục; Đau bụng dữ dội, đặc biệt là đau vùng gan; Lơ mơ, rối loạn ý thức; Co giật, Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; Suy hô hấp, khó thở.
Khi phát hiện các dấu hiệu của sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ thì trẻ có thể được cho điều trị ngoại trú, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Với thể bệnh nặng thì trẻ cần được nhập viện để điều trị và theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm, dự phòng và điều trị các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.
Phụ huynh nên theo dõi nhiệt độ, các dấu hiệu nguy hiểm khác của bệnh cẩn thận; Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không chơi đùa gắng sức nhiều; Cho trẻ mặc quần áo mỏng, tránh ủ trẻ trong chăn quá mức; Cho trẻ uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt, nếu trẻ uống được nước pha từ oresol hoặc chất khoáng, nước cam, nước chanh...
Nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ kết hợp với lau mát, lặp lại mỗi 4-6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không dùng aspirin hoặc ibuprofen.
Cho đến thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng bệnh chủ yếu là loại bỏ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti và điều trị hỗ trợ tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.