Hà Nội ghi nhận thêm 84 ca mắc sốt xuất huyết
Cụ thể, trong tuần ghi nhận 84 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, tăng 11 ca so với tuần trước; bệnh nhân phân bố tại 20 quận huyện, trong đó phần lớn bệnh nhân ghi nhận tại huyện Đan Phượng.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 940 ca mắc, không có ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cán bộ y tế quận Long Biên hướng dẫn người dân diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết. |
Trong tuần ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 17 ổ dịch, hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động, trong đó 4 ổ dịch tại huyện Đan Phượng gồm: Bãi Tháp và Đồng Vân thuộc xã Đồng Tháp; thôn Phương Mạc, xã Phương Đình; thôn 3 xã Thượng Mỗ; 1 ổ dịch tại phường Trung Liệt, Đống Đa và 1 ổ dịch tại phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm.
CDC Hà Nội đã tổ chức giám sát 2 ổ dịch đang hoạt động tại quận Đống Đa và huyện Đan Phượng.
Đồng thời, CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát tại 8 ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 gồm: Yên Nghĩa - Hà Đông; Quang Trung - Phú Xuyên; Đồng Xuân - Hoàn Kiếm; Tiên Phương - Chương Mỹ, kết quả 4/8 ổ dịch có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.
CDC Hà Nội cũng nhận định, hiện nay điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh; số ca mắc trong tuần tăng 11 ca so với tuần trước, đây là tuần thứ 5 liên tiếp có số mắc tăng (tuần 22: 21 ca; tuần 23: 34 ca; tuần 24: 38 ca; tuần 25: 73 ca; tuần 26: 84 ca).
Trong tuần qua, thành phố ghi nhận 30 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, giảm 17 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 1.595 ca mắc, không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Về ổ dịch tay chân miệng, trong tuần không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 39 ổ dịch, các ổ dịch đều đã kết thúc hoạt động, hầu hết là ca mắc tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp.
Tuần qua, thành phố ghi nhận 8 ca mắc ho gà, không có ca tử vong, giảm 1 ca so với tuần trước.
Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 151 ca mắc tại 27 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. CDC Hà Nội nhận định, thành phố tiếp tục xuất hiện rải rác các ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Ngoài ra, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 12 ca mắc thủy đậu, không có ca tử vong, số mắc giảm so với tuần trước.
Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 669 ca mắc, không có ca tử vong, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023. Các dịch bệnh khác như uốn ván, não mô cầu, sởi, rubella, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản… không ghi nhận trong tuần.
Các địa phương đã tổ chức 44 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng chống dịch tại hơn 120.331 hộ gia đình và 1.779 khu vực khác (trường học, công cộng…); xử lý 23.743 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra công tác vệ sinh, phòng chống dịch phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn thành phố tại quận Long Biên, huyện Phúc Thọ. Các điểm thi cơ bản đảm bảo vệ sinh, có bố trí đáp ứng y tế, phòng chống dịch.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh mùa hè như tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella… và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn.
Đồng thời, các đơn vị khuyến cáo người dân chủ động cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Cùng với đó, các đơn vị chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao để triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời; tiếp tục giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, ổ dịch cũ năm 2023; tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc bệnh để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời.