Hà Nội khát vọng vươn lên trong tâm thế mới
Phố sách Xuân Quý Mão 2023 - "điểm hẹn" đậm "chất" Hà Nội Ngành Tuyên giáo Thủ đô luôn chuyển động, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố |
Thủ đô Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa |
Bứt phá, chuyển mình mạnh mẽ
Hà Nội đang sống trong không khí của những ngày Xuân phơi phới. Người Hà Nội đón chào năm 2023 với hy vọng tràn trề về năm qua với nhiều thành công trên các lĩnh vực.
Năm 2022, Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới phát sinh. Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, của lãnh đạo thành phố, sự tin tưởng, ủng hộ tích cực và nỗ lực, của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, thành phố đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Hà Nội hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra, với 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo Sở, ngành kiểm tra tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn |
Kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao tăng 6,8% so với dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch. Sản xuất, kinh doanh phục hồi; Các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục lại; Thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển…
Kết quả thành phố đạt được không chỉ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mà đặc biệt còn hoàn thành những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, xây dựng cơ sở định hướng chiến lược, lâu dài cho Thủ đô phát triển như: Báo cáo, đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; Quyết định đầu tư mạnh vào 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa…
Năm 2022, một loạt công trình giao thông lớn trên địa bàn Thủ đô đã đi vào vận hành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước...
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với 58,2 km qua địa phận Hà Nội. Vành đai mang tính "đối ngoại" này không chỉ giúp Hà Nội mở rộng không gian phát triển mà còn gia tăng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá. Ở đó, vai trò của Hà Nội là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước được nhấn mạnh. Phát huy vai trò ấy, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn để triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo của thành phố để triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban, phân công nhiệm cụ thể để đạt tiến độ; Từ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tới thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…
Dù luôn luôn phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó, nhiều việc chưa có tiền lệ, nhưng như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ".
Tạo “cú đấm thép” trong cải cách hành chính với phân cấp ủy quyền
Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế, việc tăng cường CCHC gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền của Hà Nội còn nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho thành phố.
TP Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước về thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Từ năm 2006 đến nay, HĐND TP đã ban hành 2 Nghị quyết và UBND TP ban hành 8 quyết định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội |
Hiện, TP đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND TP và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND năm 2021 của UBND TP. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của cơ sở.
Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực, việc phân cấp, ủy quyền phù hợp đã tạo ra hiệu quả. Như trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tại nhiều quận, huyện, tỷ lệ giải ngân cao bởi người đứng đầu đã thực sự vào cuộc trong trách nhiệm được phân quyền, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ…
Phát biểu tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP diễn ra mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022. “Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cùng với thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, … để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
UBND TP đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023. Đó là, quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, UBND TP; Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022.
TP đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; Hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Giữa những ngày xuân rực rỡ sắc màu, như bừng lên sức sống kỳ diệu, trong trái tim mỗi người Thủ đô tự tin vào cuộc sống ngày càng tốt hơn, vào một Hà Nội trong thế rồng bay đang mạnh mẽ vươn mình đón vận hội mới. Những thành quả trên sẽ là động lực để Thủ đô có một tầm vóc mới trong to đẹp hơn, đoàng hoàng hơn, để “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đặt ra những mục tiêu chủ yếu để tiếp tục đưa kinh tế Thủ đô đạt được tăng trưởng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Thành phố chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân… |