Hà Nội khuyến khích đánh giá học sinh thông qua các dự án học tập
Hà Nội hướng dẫn tạm thời công tác chuyển trường với học sinh THPT |
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, cấp THCS trên địa bàn TP có có 662 trường, 13.876 lớp, 544.334 học sinh với 20.668 giáo viên. Đây là năm học lớp 6, 7 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; Lớp 8, 9 tiếp tục học theo Chương trình GDPT 2006.
Ảnh minh họa |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ và Sở, 100% các đơn vị, trường học đã chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; Tổ chức dạy học cho học sinh các khối lớp, đảm bảo khoa học, chất lượng.
Để tăng cường năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, Hà Nội tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học, hoạt động giáo dục; Gắn nội dung tập huấn sử dụng SGK theo Chương trình GDPT 2018 với nội dung bồi dưỡng thường xuyên và nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và cụm trường.
Kết quả trên 90% giáo viên trung học đã hoàn thành các mô đun bồi dưỡng bắt buộc, 100% giáo viên hoàn thành bồi dưỡng sử dụng SGK. Đối với các môn tích hợp ở cấp THCS, Hà Nội đã cử 3.006 giáo viên tham gia bồi dưỡng chứng chỉ giảng dạy môn khoa học tự nhiên, 1.525 giáo viên Lịch sử và Địa lí.
Các nhà trường chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu; Dạy học tích hợp, lồng ghép; Tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập, coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà.
Mặt khác, thành phố luôn ưu tiên cân đối ngân sách để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, học liệu để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học.
Một trong những nhiệm vụ năm học mới của giáo dục trung học cơ sở thành phố là thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch, kiểm tra, đánh giá; Xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của môn học phù hợp với kế hoạch dạy học; Không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình.
Ảnh minh họa |
Sở khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, Sở khuyến khích các nhà trường kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.
Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học phải bảo đảm yêu cầu trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; Định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh.
Đánh giá chung, các nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; Đặc biệt coi trọng việc đổi mới kiểm tra đánh giá, chú trọng đánh giá quá trình. Các hình thức kiểm tra đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực học sinh; 100% nhà trường đã chú trọng dạy học phân hóa theo hướng tiếp cận năng lực học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng. Các đơn vị đều chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi ở tất cả các môn học, trong đó tập trung vào lớp cuối cấp (lớp 9).